Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Về lại miền đá đỏ Quỳ Châu: Đá đỏ, mắt hoe (Bài 1)

Việt Thắng - Y Nguyên - 21:11, 12/12/2021

Đá đỏ một thời là giấc mơ đổi đời của không chỉ người dân xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), mà nhiều người trong cả nước cũng khăn gói đi tìm vận may. Thế rồi, đất sập, đói khát, tranh giành địa bàn… đã khiến nhiều người phải bỏ mạng nơi chướng khí này. Đá đỏ không thấy đâu, nhưng rừng bị tàn phá, môi trường bị hủy hoại là có thật. Nay, những đồi Triệu, đồi Tỷ năm xưa đã dẫn xanh trở lại, nhưng bà con sống ngay trên kho báu ấy thì vẫn còn rất khó khăn. Ước mơ của họ giờ đây không phải hồng ngọc để đổi đời, mà được giao đất, giao rừng để xua đi đói nghèo.

Khu đồi Tỷ hiện nay
Khu đồi Tỷ hiện nay

Sau khi phát hiện ra mỏ đá đỏ rất quý ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), dòng người tứ phương ồ ạt kéo đến tìm kiếm vận may. Những cánh rừng bị lật tung, khu đồi Tỷ trở thành nấm mồ chôn sống hàng chục con người...

Đổ xô đi đào đá đỏ

Câu chuyện đá đỏ Quỳ Châu đã thành quá vãng, nhưng trong tâm trí người dân Châu Bình, nó vẫn luôn ám ảnh họ, cứ như vừa mới xảy ra. Ông Kim Văn Phong (ở bản Kẻ Nâm, xã Châu Bình) kể, đầu năm 1990, một nhóm kỹ sư địa chất đến Châu Bình để thăm dò khoáng sản. Họ hì hục đào bới một số điểm trong khu rừng của xã, nhưng người dân địa phương không ai để ý. 

Sau đó không lâu, một nhóm người quê ở Ninh Bình đến xúc đất đá để đào đãi ở khe Ngặng, cách Quốc lộ 48 chừng hơn 1 cây số. Ông Phong và những người hàng xóm nghĩ họ đào đãi vàng nên không quan tâm cho đến khoảng vài tuần sau, số người đào đãi ngày càng đông với hơn 10 tốp, mỗi tốp chừng 10 người.

Nghi ngờ những người lạ mặt đào tìm thứ gì đó rất bí hiểm chứ không phải tìm vàng, nên người dân địa phương đến tra hỏi. “Bị chúng tôi dọa, họ mới nói đào tìm đá quý và rủ chúng tôi cùng đào và nếu đào được đá thì bán cho họ. Những viên đá đào được nhỏ như hạt ngô, hạt đậu và lớn hơn có màu đỏ rất đẹp nên sau đó người ta gọi là đá đỏ”, ông Phong kể.

Đồi Triệu hiện nay
Đồi Triệu hiện nay

Thông tin ở khu rừng Châu Bình có loại đá quý quý hơn vàng, nhanh chóng loang ra cả vùng rồi cả nước. Ông Nguyễn Văn Thuận, một người dân ở bản Kẻ Nâm, xã Châu Bình, kể, đến cuối năm 1990, số người tìm đến Châu Bình để đào đãi đá đỏ đông như kiến. Cả ngày lẫn đêm, một quãng đường rất dài trên Quốc lộ 48 lúc nào cũng ồn ào tiếng người, tiếng xe. Đến tháng 3/1991, trên các cánh rừng ở Châu Bình kéo dọc Quốc lộ 48 khoảng 7 km, chiều ngang khoảng 3 km, chỗ nào cũng nghìn nghịt người. Họ hì hục đào bới cả ngày lẫn đêm. 

“Người đông đến nỗi, nước dưới giếng cũng không còn đủ uống, mỗi bát nước chè xanh được bán với giá ngang 1 kg gạo. Họ chặt hạ hết cây rừng, lật tung các ruộng lúa ven suối, thậm chí đào cả khu nghĩa địa. Có mét đất nào đều bị bới tung lên để tìm đá đỏ”, ông Thuận kể.

Sau khi bới nát nhiều hec ta đất rừng, dòng người kéo đến đồi Triệu nằm gần bên Quốc lộ 48. Tại đây, nhiều người đào được đá quý bán được hàng chục triệu đồng nên người ta đặt tên cho khu vực này là đồi Triệu. Chỉ vài tháng sau, đồi Triệu cũng bị san phẳng. Lúc này, cách đồi Triệu chừng 3 km, nhiều người đào tìm được những viên đá bán được tiền tỷ, nên dòng người lại đổ xô kéo đến ngọn đồi này và họ gọi tên là đồi Tỷ. 

Tại đây, hàng ngàn con người giành nhau từng mét đất rồi đào bới bằng cuốc, xẻng, mang đất đá đến khe, suối hoặc các vũng nước để đãi, tìm đá quý. Dòng người xô đẩy, chen nhau xuống đào khoét hàm ếch, giành giật nhau từng nắm đất mang lên tìm đá quý và thảm cảnh kinh hoàng đã ập đến.

Buổi chiều một ngày đầu tháng 3/1991, khi hàng trăm con người đang giành nhau từng xô đất ở cái hố sâu ở đồi Tỷ để tìm đá đỏ, thì đất đá từ phía trên bất ngờ đổ sập xuống. Hàng chục con người bị chôn sống. Ông Thuận cho biết, mấy ngày sau đó, hơn 70 người chết được tìm thấy. Nhưng thảm cảnh kinh hoàng này vẫn không ngăn được tham vọng đổi đời từ đá đỏ của những phu đá đến từ khắp nơi. Ngay sau khi thi thể người xấu số được mang lên khỏi hố, khu đồi Tỷ tiếp tục bị dòng người đổ xô đến đào bới.

Theo tài liệu công bố trên trang website của Tổng hội Địa chất Việt Nam, chất lượng đá ruby ở Quỳ Châu thuộc vào loại ruby đẹp nhất thế giới, tương đương với ruby mỏ Mogok của Myanmar. Đây là loại đá có màu đẹp, độ bão hòa màu và độ tinh khiết cao. Tại Châu Bình đã từng khai thác được viên ruby bán đấu giá được 560.000 USD vào năm 1994.

Ông Kim Văn Phong đang kể chuyện đá đỏ
Ông Kim Văn Phong đang kể chuyện đá đỏ

Núi rừng tiêu điều

Ông Kim Văn Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cho biết, lúc đó người dân xã Châu Bình cũng ồ ạt kéo lên núi tìm đá đỏ, không còn màng đến những việc khác. “Trâu bò không còn ai quan tâm chăm sóc khiến chúng bị dịch bệnh, chết la liệt cả rừng. Tôi được giao nhiệm vụ phối hợp để đẩy đuổi người dân ra khỏi khu vực này, nhưng sốt ruột nên cũng tranh thủ lên núi đào tìm đá”, ông Duyên kể.

Để dẹp loạn ở Châu Bình, tỉnh Nghệ An đã huy động rất nhiều lực lượng Công an, Biên phòng đến đẩy đuổi hàng ngàn con người ra khỏi các cánh rừng. Nhưng như ném đá ao bèo, “cứ đuổi xong, họ lại ào đến”, ông Duyên nhớ lại. Do quá đông, nên lực lượng chức năng không thể dẹp được và đến năm 1992, khi tỉnh điều động thêm nhiều lực lượng, tình hình mới được kiểm soát.

 Sau đó, một lực lượng Cảnh sát cơ động phải đóng chốt ngay tại đây thêm một thời gian dài để canh giữ, không cho người dân đến đào tìm đá đỏ. Không chỉ chết vì bị sập hầm, nạn chém giết nhau để tranh giành lãnh địa đào đá quý, trấn cướp xảy ra như cơm bữa ở vùng đá đỏ này khiến nhiều người bị thiệt mạng, hoặc mang mang tật suốt đời.

Ông Duyên kể, sau khi cơn lốc đá đỏ lắng xuống, những cánh rừng ở Châu Bình như vừa bị dội bom rải thảm, tan hoang. Vận may đổi đời không thấy, nhưng nạn đói bắt đầu ập xuống. Ruộng lúa ở Châu Bình bị đào bới tan hoang, không còn canh tác được nữa, gia súc bị bỏ mặc chết gần hết. 

Nhiều gia đình sau đó phải lên các khu đồi nằm phía Bắc Quốc lộ 48 để khai hoang, trồng sắn ăn chống đói. Phải mất 10 năm sau, người dân mới cải tại lại được những khu đồi đã bị đào bới như bom rải thảm để trồng cây, sản xuất.

Năm 2000, khi khu đồi Tỷ đã được bàn giao cho doanh nghiệp khai thác, hay tin một vỉa đá màu lộ thiên ở đồi Mồ Côi gần đồi Tỷ này vừa được phát hiện, hàng trăm người dân Châu Bình bất ngờ kéo lên núi, đuổi công nhân đang làm việc, chiếm lấy khu đất này để tìm đá. Họ cử người lập thành hàng rào cầm dao rạ canh gác để chặn không cho lực lượng chức năng vào dẹp loạn. Gần nửa tháng sau, khi Công an Nghệ An huy động lực lượng đến để đuổi người dân ra khỏi rừng, tình hình mới được kiểm soát trở lại.

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.