Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Về Khánh Sơn đắm say với thanh âm đàn đá

T.Nhân - 07:52, 19/03/2024

Đàn đá là nhạc cụ độc đáo có từ lâu đời của đồng bào DTTS huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Mới đây, bộ đàn đá Khánh Sơn đã được công nhận là bảo vật Quốc gia tạo ra niềm vui lớn cho cộng đồng người Raglai. Tỉnh Khánh Hoà đang lên kế hoạch đưa du lịch văn hóa trở thành một trong các sản phẩm chủ đạo thu hút du khách trong nước, quốc tế.

Bộ đàn đá Khánh Sơn được trao lại cho tỉnh Khánh Hoà
Bộ đàn đá Khánh Sơn được trao lại cho tỉnh Khánh Hoà

“Hồn người Raglai”

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi vượt dãy Ba Cụm hùng vĩ, ngược ngàn lên Khánh Sơn để được đắm say trong những thanh âm đàn đá, có lúc vang vọng như tiếng thác reo giữa đại ngàn, lúc thánh thót như tiếng chim rừng làm mê đắm lòng người. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Raglai Mấu Quốc Tiến, người Raglai có nhiều nhạc cụ độc đáo nhưng đàn đá chính là “hồn thiêng” của người Raglai. 

Tiếng đàn đá là phương tiện kết nối cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất, thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Vậy nên, trong hầu hết các lễ, hội của người Raglai như: Lễ bỏ mả, lễ ăn mừng lúa mới hay những dịp hội vui của buôn làng, bao giờ đàn đá cũng được đưa ra diễn tấu đầu tiên. Tùy theo sự việc mà biểu diễn những làn điệu chính như: Làn Tu mô da, làn Sa pa tơ lơu hay làn Da sa… Đàn đá không chỉ theo người Raglai trong mùa lễ hội mà còn đi khắp nương rẫy…

Ông Bo Bo Hùng, một trong số ít người chơi thành thạo đàn đá chia sẻ: Tôi là người con dân tộc Raglai, từ lúc nhỏ đã rất thích chơi các nhạc cụ như mã la, đàn Chapi, kèn bầu rồi đến đàn đá. Bộ đàn đá có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa của đồng bào. “Đàn đá Khánh Sơn có thể biểu diễn độc tấu hoặc hòa tấu cùng các loại nhạc cụ khác như: Mã la, đàn Chapi, sáo Tale piloi, kèn bầu… Loại nhạc cụ cổ xưa này có nguồn gốc từ đàn đá nước của người Raglai cổ. Đàn đá nước 9 - 15 thanh, dùng sức nước để điều khiển những viên đá nhỏ gõ vào những thanh đá lớn, từ đó tạo nên bản hòa tấu với âm thanh độc đáo vang vọng núi rừng. Lạ là khi tiếng đá kêu vang lên, thú dữ bỏ chạy hết nhưng chim chóc lại kéo về cùng hòa ca rộn ràng”, ông Hùng cho biết thêm.

Còn nghệ nhân Mấu Hồng Thái cho hay: ĐàN đá Khánh Sơn không đơn thuần là một loại nhạc cụ, mà còn chứa đựng cốt cách, văn hoá của cộng đồng người Raglai. Đàn đá được xem là “linh hồn” trong các hoạt động văn hóa cộng đồng của đồng bào Raglai tại địa phương. Ban đầu đàn đá Khánh Sơn được đồng bào Raglai dùng để xua đuổi muông thú, bảo vệ nương rẫy, mùa màng, sau này, nó trở thành vật thiêng được sử dụng trong các lễ hội quan trọng của cộng đồng.

Ông Bo Bo Hùng biểu diễn đàn đá
Ông Bo Bo Hùng biểu diễn đàn đá

Gìn giữ và phát huy giá trị bảo vật Quốc gia

Đàn đá đối với người Raglai quan trọng là vậy, linh thiêng là vậy nhưng cũng như số phận nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác, đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Chúng tôi hỏi chuyện những già làng người Raglai ở Khánh Sơn về việc có ai còn nhớ những điệu đàn đá truyền thống, còn mấy ai có thể chơi thạo đàn đá? Các già bảo, những người biết và chơi được đàn đá cả huyện đếm chưa hết các đầu ngón tay.

Trước nguy cơ mai một tiếng đàn đá, từ năm 2020, UBND huyện Khánh Sơn đã tiến hành khảo sát, phục dựng 3 hệ thống đàn đá nước giữ nương rẫy nguyên bản của người Raglai để bố trí tại các dòng chảy tự nhiên ở thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp), xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Đối với đàn đá dùng biểu diễn, huyện tiến hành chế tác 10 bộ để bổ sung cho Phòng Truyền thống huyện và 8 xã, thị trấn, mỗi địa phương 1 bộ.

Biểu diễn đàn đá tại xã Sơn Hiệp
Biểu diễn đàn đá tại xã Sơn Hiệp

Cùng với đó, địa phương còn tổ chức truyền dạy kỹ năng biểu diễn đàn đá cho các nhạc công người Raglai tại địa phương. Ông Cao Mỹ Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Việc khôi phục đàn đá nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Chúng tôi quyết tâm đưa đàn đá phổ biến trở lại trong cuộc sống của đồng bào; gìn giữ và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc Raglai. Trên cơ sở bảo tồn, địa phương sẽ kế thừa, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đàn đá Khánh Sơn nói riêng và văn hóa của người Raglai nói chung trong phát triển du lịch thời gian tới.

Để phát huy giá trị bộ đàn đá Khánh Sơn, Sở chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa xây dựng không gian trưng bày nhạc cụ này để thu hút khách đến tham quan. Nơi cất giữ và trưng bày cấu tạo bằng kính cường lực trong suốt, chắc chắn, du khách đến đây sẽ được thoải mái tham quan tìm hiểu. Những dịp lễ sẽ có kế hoạch biểu diễn đàn đá để phục vụ nhu cầu của người dân, du khách.

Ông Nguyễn Văn NhuậnGiám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Khánh Hòa

Cũng theo ông Vỹ, ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia cho 28 hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn. Đây là một giá trị văn hóa tốt đẹp, giá trị tâm linh của người dân, đặc biệt là việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Raglai tại vùng đất Nam Trung Bộ-Tây Nguyên. Bộ đàn đá Khánh Sơn được vinh danh là Bảo vật Quốc gia, niềm vui và tự hào lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Raglai. Đây không chỉ là sự công nhận cho một hiện vật văn hóa, mà còn là sự ghi nhận và tôn vinh cho bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc Raglai”, ông Vỹ khẳng định.

Đối với người Raglai, việc này không chỉ là một niềm vinh dự, mà còn là một trách nhiệm quan trọng trong việc duy trì và phát triển văn hóa dân tộc, là cơ hội để giới thiệu văn hóa độc đáo của họ đến với bạn bè quốc tế. Hai bộ đàn đá Khánh Sơn cổ nhất được một gia đình người dân tộc Raglai ở huyện này tìm thấy và lưu giữ trong những năm chống Mỹ cứu nước. Đến năm 1978, gia đình đã tặng cho chính quyền địa phương để quản lý. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã giao hai bộ đàn đá này cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Chủ tịch Hội đồng khoa học đàn đá Khánh Sơn. Sau khi tiếp nhận, ngày 12/9/1979, Bộ Văn hóa và Thông tin đã tổ chức lễ công bố về kết quả sưu tầm, nghiên cứu đàn đá Khánh Sơn.

Nhạc sỹ Nguyễn Phương Đông biểu diễn đàn đá
Nhạc sỹ Nguyễn Phương Đông biểu diễn đàn đá

Nhạc sỹ Nguyễn Phương Đông, từng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khánh Hòa cho biết ông đã trải qua hơn ba thập kỷ gắn kết với nghệ thuật đàn đá, đến nay đã chế tác ra hơn 150 bộ đàn đá độc đáo theo nguyên mẫu của hai bộ đàn đá gốc. “Hai bộ đàn đá đầu tiên được tìm thấy ở tỉnh Khánh Hòa có giá trị lớn, vượt trội so với những bộ đàn đá khác đang lưu hành. Chỉ có hai bộ đàn đá Khánh Sơn mới thực hiện được chủ ý của con người. Đã gọi là đàn, phải thực hiện được giai điệu chủ ý của con người. Không thực hiện được những giai điệu âm thanh réo rắt thì đó chỉ là những hiện vật mang giá trị trưng bày mà thôi”, nhạc sỹ Nguyễn Phương Đông tâm sự.

Hiện nay, nhạc sỹ Nguyễn Phương Đông còn giữ vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng chơi đàn đá cho thế hệ trẻ của người Raglai. Ông đã tận tâm biên soạn nhiều bộ giáo trình và bài tập, bao gồm các phần tiết tấu, âm sắc và giai điệu hiện đại, nhằm nâng cao trình độ chơi đàn đá. Bên cạnh đó, ông cùng các nghệ sỹ khác đang tích cực giảng dạy, hướng dẫn cho nhiều bạn trẻ người Raglai địa phương trong việc học và thực hành đàn đá.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để phát huy giá trị bộ đàn đá Khánh Sơn, Sở chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa xây dựng không gian trưng bày nhạc cụ này để thu hút khách đến tham quan. Nơi cất giữ và trưng bày cấu tạo bằng kính cường lực trong suốt, chắc chắn, du khách đến đây sẽ được thoải mái tham quan tìm hiểu. Những dịp lễ sẽ có kế hoạch biểu diễn đàn đá để phục vụ nhu cầu của người dân, du khách.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.