Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Văn Chấn (Yên Bái): Lợi dụng giấy phép thăm dò khoáng sản để khai thác tài nguyên trái phép?

Nhóm PV - 15:12, 01/10/2021

Những năm gần đây, tại thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có một số đơn vị, doanh nghiệp khai thác đá ồ ạt dẫn đến tình trạng tàn phá môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Cận cảnh khai thác đá tại Suối Lót
Cận cảnh khai thác đá tại Suối Lót

Tiếng kêu cứu từ tài nguyên, khoáng sản

Suối Giàng là xã vùng cao của huyện Văn Chấn (Yên Bái), nằm cách trung tâm huyện Văn Chấn 12 km về phía Bắc có diện tích tự nhiên là 5.922ha, với 4 dân tộc anh em cùng cư trú, gồm: Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 98%. Theo phản ánh của người dân, những năm qua cuộc sống của bà con bị đảo lộn, không khí môi trường bị ô nhiễm, đường sá xuống cấp, đất trồng trọt sản xuất bị ảnh hưởng do tình trạng khai thác tài nguyên đá trái phép của một nhóm cá nhân, tập thể nơi đây; Hoạt động khai thác đá diễn ra rầm rộ, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng.

Có mặt tại hiện trường vào một ngày cuối tháng 9/2021, nhóm phóng viên đã ghi nhận lại thực tế đang diễn ra. Trên quãng đường chưa đầy một cây số thuộc địa phận thôn Suối Lóp (xã Suối Giàng), đã có 4 điểm khai thác đá, với nhiều loại phương tiện hoạt động rầm rộ. 

Dưới chân núi, những chiếc máy xúc, máy khoan, máy cắt đá mải miết đào xới; những người lao động hối hả vận chuyển những tảng đá vào vị trí để khoan, cắt, đục, đẽo… sau đó, chuyển lên các xe chuyên dụng đưa đá về xưởng. Trung bình mỗi ngày, những chiếc xe này có thể chở từ 3 đến 4 chuyến, tuỳ theo kích thước tảng đá. Thời gian di chuyển của những chiếc xe vận chuyển này, cũng phải hàng tiếng đồng hồ mới về đến nơi tập kết. Cứ như thế, bụi đá, tiếng ồn đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

Những mảng núi nham nhở như những vết thương lở loét, đang ngày một ăn sâu vào lòng núi để lộ ra những hốc đá cỡ lớn kỳ quái. Thực trạng này đã trở thành mối nguy hiểm thường trực với người dân khi phải đi lại trên con đường này.

Để có thể khai thác được đá ở xã Suối Giàng, các chủ mỏ sẽ phải tổ chức thăm dò nhiều vị trí khác nhau, sau đó lựa chọn chất lượng đá đẹp rồi mới tiến hành khoan, cắt, khai thác. Việc làm này, đã khiến nhiều quả núi ở xã Suối Giàng bị tàn phá, tận thu, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên.... Chỉ một thời gian ngắn, những ngọn núi sừng sững ngày nào đã bị biến thành quả đồi nham nhở, trọc lốc.

Những ngọn núi nham nhở do bị khai thác đá, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Những ngọn núi nham nhở do bị khai thác đá, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

“… Mấy năm trở lại đây, chúng tôi thấy một số đơn vị, doanh nghiệp đến  với danh nghĩa vào thăm dò khoáng sản, nhưng thực tế là họ khai thác đá với quy mô, công suất lớn. Hàng loạt máy móc hiện đại được chuyển đến và khai thác không ngừng nghỉ. Những chiếc xe chuyên dụng chạy liên tục chở các khối đá lớn đưa về xưởng gần huyện để chế tác. Việc này đã làm cho con đường liên thôn, liên xã xuống cấp trầm trọng, nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội không thể đi được; Nhất là vào mùa mưa bão, nước trên núi đổ về mang theo đất, đá sạt lở rất lớn, đe dọa tính mạng người dân chúng tôi, làm ách tắc giao thông và hư hỏng các công trình thủy lợi trong thôn...”, ông Nguyễn Văn A, một người dân trong thôn Suối Lóp, bức xúc kể lại với chúng tôi.

Không chỉ vậy, tình trạng khai thái đá trái phép nói trên, còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân được lấy từ đầu nguồn Suối Lóp. Do các thợ cưa, xẻ đá sử dùng nguồn nước từ Suối Giàng để cắt, xẻ và làm mát đá, dòng nước này hoà lẫn với bụi đá trắng xoá cứ thế âm thầm ngấm vào lòng đất, chảy vào dòng suối… đổ về nơi nguồn nước sinh hoạt của người dân. Do đó, việc nguồn nước Suối Giàng bị ô nhiễm là điều khó tránh khỏi và cuộc sống của người dân cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, mặc dù xuất hiện hàng chục mỏ khai thác tài nguyên đá ở Suối Giàng, nhưng trên thực tế mới chỉ có hai công ty có giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đó là: Công ty cổ phần Khai thác đá và Xây dựng Đại tượng Phật Tây Thiên (giấy phép số 1297/GP-BTNMT) và Công ty TNHH Việt Á (giấy phép số 3299/GP-BTNMT). Hai công ty này chỉ được phép tiến hành thăm dò khoáng sản đá trang trí mỹ nghệ và đá metacarbonat làm ốp lát, tại khu vực xã Suối Giàng, trong thời gian lần lượt là 48 tháng và 24 tháng kể từ ngày ký; Diện tích thăm dò lần lượt là 9,5 và 31 héc ta. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là 2 công ty này không chỉ dừng lại mức độ thăm dò, mà đã có dấu hiệu lợi dụng giấy phép thăm dò để khai thác tài nguyên đá??

Còn lại các mỏ khai thác tự phát khác đã và đang diễn ra một cách ngang nhiên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy sự vào cuộc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái. Hàng ngày, các xưởng làm đá với đủ các loại máy móc cứ gầm rú xẻ, cưa, đục khoét đá… bỏ mặc tiếng kêu cứu, phản ánh kiến nghị của người dân nơi đây.

Trao đổi với ông Cao Trường Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Chấn, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Hiện nay trên địa bàn đã có hai đơn vị được cấp phép thăm dò khoáng sản là Công ty cổ phần Khai thác đá và Xây dựng Đại tượng Phật Tây Thiên và Cty TNHH Việt Á. Hai công ty này đã đưa máy móc vào để kiểm tra chất lượng đá, nên có tình trạng ô nhiễm môi trường. Còn lại cũng có người dân tự ý khai thác nên việc trực chốt, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn”.

Kêu khó do trực chốt, nên cơ quan chức năng đã lờ đi tình trạng khai thác đá trái phép tại xã Suối Giàng nhiều năm nay. Họ cũng lờ luôn những phản ánh, kêu cứu về cuộc sống của người dân ở Suối Giàng do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng khai thác đá.

Trước thực trạng nêu trên, dư luận đang đặt ra rất nhiều câu hỏi: Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu, khi tình trạng khai thác đá trái phép đã diễn ra nhiều năm nay mà không được giải quyết? Phải chăng có dấu hiệu bảo kê, lợi ích nhóm, nên các đối tượng mới ngang nhiên khai thác tài nguyên đá trái phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin tới bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.