Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vân Canh (Bình Định): Chính quyền và Nhân dân cùng đồng lòng bảo tồn văn hóa truyền thống

Thành Nhân - 08:27, 07/11/2021

Huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) là nơi cư trú lâu đời của nhiều DTTS như Chăm, Ba Na và số ít các dân tộc Thái, Mường… ở miền Bắc di cư vào. Trong đời sống sinh hoạt, các DTTS trên địa bàn vẫn duy trì được các hoạt động văn hóa, nhất là các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, các nghề thủ công truyền thống..., qua đó góp phần tạo nên một nền văn hóa đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghệ thuật trống đôi của người Chăm H’roi Vân Canh
Nghệ thuật trống đôi của người Chăm H’roi Vân Canh

Nỗ lực từ chính quyền

Ông Lê Thanh Nhơn, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Vân Canh cho biết: Những năm qua, được các cấp, ngành quan tâm nên nhiều bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, được đồng bào phát huy, tái hiện trong đời sống khá tốt.

Trên địa bàn huyện đã ghi nhận 7 loại hình di sản phi vật thể, như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian và 2 loại hình di sản văn hoá vật thể, gồm: Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Điển hình như tiếng nói của đồng bào Chăm H’roi và Ba Na được duy trì thường xuyên. Còn chữ viết Chăm H’roi thì đã được biên soạn thành sách và giảng dạy cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại huyện. Hằng tuần, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Thông tin huyện còn xây dựng chương trình phát thanh tiếng Chăm H’roi, tiếng Ba Na.

“Nhìn chung, tiếng nói của người Chăm H’roi và người Ba Na hiện nay được bảo tồn, sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày và trong quan hệ giao tiếp”, ông Nhơn chia sẻ thêm.

Đối với các phong tục, tập quán xã hội như, các nghi lễ vòng đời, các nghi lễ cúng, tập quán lễ, Tết... trên địa bàn huyện Vân Canh cũng đang duy trì, gìn giữ. Theo ông Sô Lan Tài, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh, các tập tục này được thể hiện khá rõ nét trong cách ứng xử của cộng đồng dân cư, giữa người với người, với thiên nhiên và trong việc giao tiếp, mời rượu khách đến nhà, đến làng, lời chào hỏi khi gặp nhau, khi tạm biệt.

Cùng với đó, hầu hết, các làng, khu phố trên địa bàn huyện đều có người biết đan lát và dệt thổ cẩm Đặc biệt, nghệ thuật diễn tấu cồng, chiêng; độc tấu đàn goong, trống Kơ toang đối đáp… là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Chăm H’roi, Ba Na vẫn còn gìn giữ, phát huy cho đến hôm nay.

Sự đồng lòng của những nghệ nhân

Dù đã 83 tuổi, nhưng già làng Lê Văn Ru, người Chăm H’roi, vẫn giữ đam mê với tiếng trống Kơ toang. Trống Kơ toang còn hay gọi là trống giao duyên, trống gọi bạn, trống đối thoại… Người Chăm H’roi thường dùng Kơ toang hòa âm với chiêng ba. Tuy tuổi đã cao nhưng tình yêu dành cho Kơ toang và văn hóa truyền thống của đồng bào mình vẫn luôn chảy trong con người của già Ru.

Theo già Ru, khi xưa người Chăm H’roi trò chuyện, cãi vã, hòa giải hay bày tỏ lời yêu đều thông tiếng trống Kơ toang. “Các thế hệ ông, bà hoặc cha, mẹ của tôi trước đây có tác hợp được với nhau cũng nhờ tiếng trống Kơ toang se duyên. Nét văn hóa đặc sắc, giàu cảm hứng từ tiếng trống Kơ toang là thế, nhưng các thế hệ trẻ hiện nay lại đam mê nhạc Rock hơn”, già Ru trăn trở.

Vì lo nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình mai một, nên ông Ru đã thuyết phục và dạy trống cho con trai mình là anh Lê Văn Tây (43 tuổi). Đến nay, anh Tây đã chơi thành thạo loại nhạc cụ này và là người trẻ hiếm hoi của khu phố Hiệp Hội giữ được nhịp trống Kơ toang.

Ở Vân Canh còn có một nghệ nhân luôn dành hết tâm huyết cho Kơ toang đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, 54 tuổi, ở khu phố Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh). Bà Hương là phụ nữ đầu tiên biết chơi nhạc cụ này. Tuy nhiên, hiện nay, bà rất trăn trở vì thanh, thiếu niên bây giờ ít quan tâm đến nhạc cụ này, phần vì loại nhạc cụ này khó học, phần vì phải đánh trống trực tiếp bằng tay (không dùng dùi) nên khá đau tay, mất sức. Các lớp đào tạo, hướng dẫn cách chơi trống Kơ toang cho các thế hệ trẻ người Chăm H’roi lâu nay không được tổ chức. Hiện nay, việc truyền nghề chỉ diễn ra trong gia đình, theo kiểu cha, mẹ truyền, con theo học.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh nhìn nhận, Vân Canh là vùng đất có nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, một số loại hình văn hóa có nguy cơ mai một. Do đó, để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể của đồng bào DTTS ở địa phương, UBND huyện đã quy hoạch địa điểm xây dựng nhà văn hóa cộng đồng ở khu phố Suối Mây (thị trấn Vân Canh) và đưa dự án này vào danh mục nguồn vốn đầu tư công thực hiện trong năm 2022.

Đồng thời, huyện cũng có chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đối với người tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, đang nắm giữ các di sản văn hóa truyền thống và nghệ nhân đồng bào DTTS được Nhà nước công nhận…

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.