Đó là một trong những nguyên tắc phân bổ vốn mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tại dự thảo Quyết định quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình).
Theo dự thảo, có 5 nguyên tắc phân bổ vốn:
Thứ nhất, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thứ hai, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương.
Thứ ba, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Thứ tư, ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng trong cả nước.
Thứ năm, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn kế hoạch thực hiện Chương trình, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, dự thảo nêu rõ:
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự cân đối được ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi): 100% nguồn vốn thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn. Mức bố trí vốn tối thiểu bằng mức do trung ương hỗ trợ bình quân cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.
Trung ương hỗ trợ có mục tiêu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng từ ngân sách trung ương cho các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương: Căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng cân đối ngân sách, các địa phương bố trí vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện Chương trình theo mục tiêu kế hoạch hằng năm và 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, ưu tiên vốn bố trí thêm nguồn vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương: Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 70% trở lên: Tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, chủ động bố trí kinh phí và lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình;
Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 50% đến dưới 70%: Hằng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng 15% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương dưới 50%: Hằng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng 20% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình.