Đến thăm vườn nhân giống hoa của anh Trần Văn Ngọc ở tổ 3, phường Nông Tiến (TP. Tuyên Quang) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, khi chứng kiến khu vườn quy mô lớn, với đủ các loại giống hoa như cúc, thạch thảo, đồng tiền, thược dược, lay ơn… Theo anh Ngọc, trước đây khu vườn được bố mẹ anh dùng để trồng vài chục gốc đào phục vụ nhu cầu ngày Tết của người dân địa phương. Nhận thấy lợi ích từ việc trồng đào không lớn, anh đã quyết định mượn lại 2ha đất để đầu tư trồng, nhân giống hoa, cung cấp cho người tiêu dùng.
Sau một thời gian, khu vườn của anh Ngọc ngày càng chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng khắp cả nước. Mỗi tháng, khu nhà vườn của anh Ngọc cung cấp cho thị trường khắp trong Nam ngoài Bắc vài chục vạn cây giống, những tháng cao điểm cuối năm, anh sản xuất lên đến trăm vạn cây. Lượng cây này chủ yếu cung cấp cho các nhà vườn, các khu du lịch, khu sinh cảnh của cả nước.
Được biết, để có được thành công đó, là do anh Ngọc đã linh hoạt ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, lựa chọn phương thức tiêu thụ sản phẩm. Anh đã tận dụng mạng xã hội để tuyển cộng tác viên bán hàng online. Những cộng tác viên này nhận đơn hàng, báo về nhà vườn để chuẩn bị cây giống. Nhờ cách làm này, mà đơn hàng đổ về liên tục, lao động ở nhà vườn cũng luôn chân luôn tay, người trộn giá thể, người ươm cây, người đóng hàng…
Anh Ngọc phấn khởi chia sẻ: “Hiện mỗi năm khu nhà vườn của tôi đạt doanh thu khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, tôi đang xây dựng gian hàng trên những trang bán hàng trực tuyến lớn như: Shopee và Lazada, để tiếp tục mở rộng thị phần…”.
Hay như ở Hợp tác xã Chè Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (huyện Sơn Dương) cũng là một trong những điển hình thành công nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Đây là một trong những hợp tác xã sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và có ứng dụng công nghệ tưới bán tự động. Được biết, hiện Hợp tác xã Chè Ngân Sơn - Trung Long có hơn 20ha chè được lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động. Việc ứng dụng hệ thống tưới này, đã giúp HTX chủ động nước tưới nên việc bón phân sẽ đúng thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết và có thể tưới nước cho vùng đồi, nơi khan hiếm nước. Đặc biệt, phương pháp tưới phun mưa còn chủ động và nâng cao hiệu quả phân bón được hòa tan, tăng khả năng hấp thụ của cây chè.
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều những điển hình tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang thành công ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Họ không chỉ là những nông dân ham học hỏi, áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào trong sản xuất, không chỉ vì lợi nhuận kinh tế, mà còn là chung tay bảo vệ môi trường và đi theo hướng sản xuất xanh, sạch trong thời đại công nghệ bùng nổ và có tác động mọi mặt đời sống xã hội…
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin có mức đầu tư cao được hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư như, hệ thống nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây...
Với các giải pháp được triển khai đồng bộ đến nay, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đã có bước phát triển mạnh, lĩnh vực trồng trọt đang chuyển dịch theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất (diện tích sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hiện đạt 1.693 ha, tăng 1.234 ha so với năm 2015). Phương thức chăn nuôi đã chuyển dịch mạnh sang chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại; chăn nuôi an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; chăn nuôi tập trung phát triển theo lợi thế của từng vùng và địa phương.