Hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ chuyển giao công nghệ
Đến nay, 400 dự án đã được phê duyệt, triển khai trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố, với tổng kinh phí đầu tư trên 3 nghìn tỷ đồng. Các dự án hỗ trợ chuyển giao công nghệ được triển khai trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ bảo quản, chế biến... Dự kiến khi các dự án kết thúc sẽ xây dựng được trên 1.300 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển giao trên 2.100 lượt công nghệ mới, tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho 1.800 cán bộ quản lý, trên 3.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương; tập huấn cho trên 78.000 lượt nông dân tiếp nhận và làm chủ được công nghệ.
Tuy nhiên, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025" vừa diễn ra tại Bắc Giang ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhận định, vùng nông thôn, miền núi và vùng DTTS thường được biết đến với 5 cái “nhất” gồm: Có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất.
Mô hình thiếu tính bền vững
Có thể thấy, dù đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, mô hình sản xuất nông nghiệp cao ở vùng DTTS vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, mô hình sản xuất chưa thực sự bền vững.
Chuyện xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) là một ví dụ. Năm 2017, người dân ở địa phương được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng hoa lay ơn trên diện tích hơn 2,2ha, với kỳ vọng sẽ thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế nhằm giúp hàng chục hộ dân tăng thu nhập, từ đó thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình đã phá sản, bởi mô hình này chưa phù hợp với thực tế tại địa phương. Việc trồng hoa lay ơn đòi hỏi kỹ thuật khá cao, dù đã được tập huấn nhưng các hộ dân vốn chỉ quen trồng lúa, làm nương nên khó thực hiện theo. Bên cạnh đó, Pác Nặm là huyện vùng cao, nhu cầu mua hoa của người dân không nhiều, nếu chuyển đi bán ở những đô thị lớn thì đường sá xa xôi, khó cạnh tranh vì chi phí vận chuyển cao.
Đây không phải câu chuyện riêng của địa phương nào. Việc thực hiện chuyển giao công nghệ ở nông thôn, miền núi gặp phải những khó khăn, hạn chế về công tác xây dựng, ban hành văn bản; khó khăn về tài chính; công tác phối hợp, quản lý dự án; việc duy trì, nhân rộng mô hình, dự án.
Ngoài ra, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng. Mối liên kết “4 nhà” chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học với người dân chưa chặt chẽ, nên một số kết quả nghiên cứu KHKT có khả năng ứng dụng nhưng chưa được nhân rộng, chưa hình thành được các mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân, chưa có chính sách đặc thù về ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS.
Những vấn đề cần được giải quyết
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đề xuất giải pháp, phải rà soát các chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi đang còn hiệu lực để loại bỏ các chính sách trùng lặp, chồng chéo; đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ theo hướng phát huy tối đa năng lực sáng tạo của các cá nhân, gắn trách nhiệm đến cùng của cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học với sản phẩm tạo ra; cải cách thủ tục hành chính đơn giản, ngắn gọn để tránh phiền hà, mất thời gian, công sức.
Ngoài ra, cần đặt mục tiêu cụ thể và phải thực hiện đúng việc đào tạo nhân lực khoa học công nghệ là người DTTS bảo đảm số lượng, chất lượng. Trong điều kiện các địa phương vùng DTTS và miền núi còn khó khăn, tiềm lực kinh tế kém mà nhu cầu cho hoạt động khoa học công nghệ rất lớn, thì cần thiết tăng kinh phí cho khoa học công nghệ từ nhiều nguồn như, ngân sách nhà nước, Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp, thu hút các nguồn khác...
Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm khoa học và công nghệ trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu: xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân và tính khả thi ứng dụng phù hợp với nhận thức, trình độ sản xuất của người lao động, phù hợp với điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng, tác động của thiên tai, dịch bệnh.