Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tuyên Quang: Người có uy tín xứng đáng với niềm tin của đồng bào DTTS

Việt Hà - 01:20, 16/12/2024

Đội ngũ những Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh Tuyên Quang đã nêu gương tiên phong trên mọi mặt trận, xứng đáng với niềm tin và uy tín mà Nhân dân đã bầu chọn, gửi gắm.

Ông Nông Văn Sông, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Người có uy tín ở thôn Nà Coóc hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây ngô. Ảnh LD
Ông Nông Văn Sông, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Người có uy tín ở thôn Nà Coóc hướng dẫn Nhân dân chăm sóc cây ngô. Ảnh LD

Người có uy tín “dẫn đường” trên mọi lĩnh vực

Xã Thanh Tương, huyện Na Hang được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2020 nhưng không phải tất cả các thôn trên địa bàn xã đều thuận lợi về mọi mặt. Đặc biệt là với thôn Nà Cóc thuộc diện thôn vùng 3 (đặc biệt khó khăn) với 96% dân số là người Tày, để vươn lên theo kịp các thôn vùng ngoài, phải kể đến vai trò vô cùng quan trọng của Người có uy tín, kiêm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Cóc - Nông Văn Sông.

Do nằm ở vùng lõi rừng đặc dụng, đất canh tác sản xuất hạn chế nên từ vài chục năm về trước, đồng bào Tày ở thôn Nà Cóc đã tập trung đẩy mạnh nuôi trâu. Với vai trò là “đầu tàu” của thôn, ông Nông Văn Sông đã vận động người dân chuyển từ phương thức chăn thả rông sang chăn nuôi trâu sinh sản bán chăn thả, trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu. Để dân tin và làm theo, ông đã gương mẫu đi đầu trong chăn nuôi trâu sinh sản bán chăn thả, trồng cỏ voi trên diện tích 2.000m2.

Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Qua các đợt đi tham quan hoặc hội nghị tập huấn, Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có cơ hội tham quan, học tập các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả; giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Đó là cơ hội, động lực cho Người có uy tín tự nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng góp phần phát huy vai trò, vị thế trong vận động đồng bào DTTS, gìn giữ khối đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh; giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp và thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Hiện nay, đàn trâu của cả thôn Nà Coóc lên tới 120 con. Ông Sông cho biết, trâu ở Nà Coóc ít mắc dịch bệnh, nguồn thức ăn cỏ voi phong phú nên trâu phát triển tốt. Trong thôn Nà Cóc có ông Mạc Văn Quan đã gắn bó với nghề nuôi trâu sinh sản từ 20 năm nay. Được Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Người có uy tín vận động trồng thêm cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, ông Quan đã trồng 4ha cỏ voi và duy trì đàn trâu 6 con. Tuy giá trâu hiện nay không được như trước, nhưng hằng năm gia đình vẫn có thu nhập khoảng 30 triệu đồng từ chăn nuôi.

Nhờ phát triển chăn nuôi trâu sinh sản nên nhiều hộ trong thôn có thu nhập khá, tỷ lệ hộ nghèo của thôn hiện nay chỉ còn 19%. Bên cạnh việc vận động phát triển kinh tế, ông Sông còn vận động Nhân dân chuyển đổi vùng đất trồng ngô, sắn sang phát triển cây cam. Gia đình anh Lường Văn Hoan là một trong những hộ đầu tư trồng cam sớm từ năm 2017. Với nguồn vốn bỏ ra ban đầu gần 100 triệu đồng để cải tạo đất, anh Hoan đã liên kết cùng các vườn cam lớn tại xã Phù Lưu (Hàm Yên) trồng cam sành theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm. Do hợp đất, cây cam lớn nhanh, ít sâu bệnh, vụ cam đầu năm 2022, anh Hoan thu được hơn chục tấn cam và tăng dần lên hơn 30 tấn vào năm 2023, dự kiến 40 tấn trong năm 2024 này. Doanh thu mỗi năm đạt từ 100-150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Bên cạnh việc vận động phát triển kinh tế, ông Sông còn vận động Nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động và hiến đất để xây dựng 2 cầu qua suối; bê tông hóa gần 100% các tuyến đường nội thôn, liên thôn. Từ năm 2017 đến nay, ông cùng với các hộ dân trong thôn nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ. Nhiều năm nay, rừng ở Nà Coóc được bảo vệ nghiêm ngặt, không có phá rừng, đốt rừng, cháy rừng xảy ra.

Còn tại thôn Na Tang, xã Hùng Lợi, huyện Hàm Yên, đồng bào Mông nhắc đến ông Lầu Văn Thào, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín với tấm lòng biết ơn, nể phục. Theo lời kể của ông Thào, cách đây khoảng 5 năm về trước, thôn Nà Tang vẫn thường xảy ra tình trạng tảo hôn. Những cặp vợ chồng vị thành niên chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản, chưa đủ khả năng gánh vác kinh tế cũng như tổ chức cuộc sống gia đình nên khi kết hôn sớm thì xảy ra nhiều hệ lụy: sinh con ra còi cọc, nheo nhóc, cuộc sống kinh tế gia đình khó khăn, vất vả nên vợ chồng thường lục đục…

Với vai trò là Người có uy tín ở thôn, ông Thào đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích cho các bậc phụ huynh cũng như các cháu đang độ tuổi vị thành niên hiểu được tác hại của tảo hôn để phòng tránh, tập trung vào học hành, chỉ kết hôn khi đủ tuổi pháp luật quy định. Nhờ cách tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, từ năm 2022 đến nay, thôn Nà Tang đã không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cũng theo ông Thào, người Mông có tính cộng đồng rất cao và đặt niềm tin vào Người có uy tín. Để bà con tin, thì ông cũng phải làm gương, tiên phong dẫn lối từ phát triển kinh tế gia đình, đến những công việc của thôn, bản. Ông Thào chia sẻ: “Mình làm mang tinh thần của đảng viên không nề hà, không vụ lợi nên người dân thấy nể mà nghe, làm theo thôi!”. Và rồi chính từ đây những nhân tố tốt, tích cực đã được Bí thư Chi bộ Lầu Văn Thào phát hiện, giới thiệu cho tổ chức Đảng và cũng chính ông là người giúp đỡ cho các quần chúng ưu tú sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, do nghệ nhân, Người có uy tín Hoàng Thị Yên làm Chủ nhiệm
CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, do nghệ nhân, Người có uy tín Hoàng Thị Yên làm Chủ nhiệm

Cũng là Người có uy tín nhưng bà Hoàng Thị Yên, thôn 14, xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) lại có điểm mạnh về lĩnh vực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. 14 năm làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ (CLB) giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan của thôn 14 (từ năm 2012 đến nay), bà Yên đã vận động người dân, thành viên câu lạc bộ giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Cao Lan như sưu tầm, luyện tập và biểu diễn các điệu múa, làn điệu Sình ca, giữ gìn nét đẹp làm bánh trong các ngày lễ, tết. CLB hiện có trên 50 thành viên tích cực tham gia. Nhờ đó, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan tại địa phương phát triển mạnh.

Quan tâm, thực hiện tốt các chính sách đối với Người có uy tín

Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 1.100 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, Người có uy tín luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tin tưởng bởi sức ảnh hưởng lớn trong công tác truyên truyền, vận động đồng bào thực hiện theo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những tấm gương Người có uy tín được cộng đồng đánh giá cao và trân trọng ghi nhận, xứng đáng với niềm tin của Đảng, chính quyền và người dân.

Phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín, tỉnh Tuyên Quang thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt các chính sách dành cho Người có uy tín, như: Thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, Tết, ốm đau, đám hiếu; cấp phát một số tờ báo miễn phí cho Người có uy tín; đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng cho Người có uy tín, nhằm nâng cao hiệu quả kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế tại các địa phương để mở mang, nâng cao kiến thức cho Người có uy tín, từ đó trở về địa phương phát huy tốt vai trò của mình trên mọi lĩnh vực.

Cụ thể, từ năm 2021 - 2024, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức trên 30 hội nghị cung cấp thông tin cho trên 1.440 lượt Người có uy tín về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác dân vận trong đồng bào DTTS; phổ biến giáo dục pháp luật; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Mới đây nhất là Hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền pháp luật và bồi dưỡng kiến thức pháp luật năm 2024 cho 240 trưởng thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Chiêm Hoá và Hàm Yên được tổ chức tại TP. Tuyên Quang. Thông tin cung cấp cho Người có uy tín trở thành những cẩm nang, nguồn tư liệu để Người có uy tín vận dụng, phát huy tốt vị trí, vai trò của mình tại địa phương trên các lĩnh vực trong cộng đồng đồng bào DTTS.

Người có uy tín Huyện Lâm Bình đi thăm quan học tập kinh nghiệm mô hình vườn du lịch sinh thái tại xã Yên Phú, huyện Hàm Yên.
Người có uy tín Huyện Lâm Bình đi thăm quan học tập kinh nghiệm mô hình vườn du lịch sinh thái tại xã Yên Phú, huyện Hàm Yên

Trong năm 2024, Ban Dân tộc đã tổ chức đưa Đoàn đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh đi học tập kinh nghiệm một số mô hình xây dựng nông thôn mới, mô hình giảm nghèo tại một số tỉnh miền Trung, như: Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận (tháng 5- 6) và tổ chức Đoàn Người có uy tín đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận động, tuyên truyền tại tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng (tháng12). Tại các nơi đến, Đoàn đại biểu Người có uy tín được lắng nghe, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đối với công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.