Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đào tạo nghề trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tại Sơn Dương

Hà Vy - 20:15, 10/12/2024

Là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, Sơn Dương với nguồn lao động dồi dào, đặc biệt ở khu vực nông thôn, đang đối mặt với thách thức lớn về chất lượng nhân lực. Phần lớn lao động trên địa bàn chưa được đào tạo bài bản, khiến họ khó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động hiện tại. Trước thực trạng này, huyện xác định đào tạo và đào tạo lại nghề là giải pháp thiết yếu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Người lao động ở các xã vùng nông thôn huyện Sơn Dương được tham gia lớp học đào tạo nghề may từ Chương trình MTQG. Ảnh: BTQ.
Người lao động ở các xã vùng nông thôn huyện Sơn Dương được tham gia lớp học đào tạo nghề may từ Chương trình MTQG. Ảnh: BTQ

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, huyện Sơn Dương đã đưa công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm vào chương trình hành động trọng tâm. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo huyện khẳng định quyết tâm: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng huyện Sơn Dương phát triển nhanh, bền vững”.

Với tinh thần này, công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh, không chỉ giúp nâng cao tay nghề cho người lao động mà còn tạo điều kiện cho họ tự tin tham gia thị trường lao động, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Công tác đào tạo nghề ở Sơn Dương trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều lao động sau khi tham gia các chương trình đào tạo đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Anh Nguyễn Hữu Tấn, người dân xã Kháng Nhật, là một ví dụ điển hình. Sau khi tham gia Ngày hội việc làm do địa phương tổ chức, anh đã được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp xã Phúc Ứng. Công việc này mang lại cho anh thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng mỗi tháng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Anh chia sẻ: “Cụm công nghiệp Phúc Ứng mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn như tôi. Nếu ai trong độ tuổi lao động cũng có việc làm và thu nhập ổn định, việc thoát nghèo là đương nhiên”.

Ông Nguyễn Thanh Ba, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Xã có tổng số 6.736 lao động, trong đó 4.760 người đã qua đào tạo, 1.481 người có chứng chỉ, bằng cấp. Thu nhập bình quân của lao động đạt từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Đây là lực lượng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Những con số này minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở Sơn Dương, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Thách thức và hạn chế

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, công tác đào tạo nghề tại Sơn Dương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở địa phương chưa được sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Điều này khiến việc đào tạo nghề chuyên sâu và cung cấp lao động kỹ thuật cao còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai đào tạo nghề chưa thực sự đồng bộ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của các chương trình đào tạo, khiến người lao động gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp.

Để giải quyết những hạn chế này, huyện Sơn Dương đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn như các cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề. Chất lượng và hiệu quả đào tạo được đặt lên hàng đầu, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị.

Huyện đang phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh để tranh thủ nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Việc nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị hiện đại sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc giảng dạy và thực hành của học viên. Tập trung xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm đào tạo nghề và doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo sẽ được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, giúp người lao động sau khi đào tạo có thể làm việc ngay mà không cần qua đào tạo bổ sung.

Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đào tạo nghề tiếp tục được đẩy mạnh, giúp người dân nhận thức rõ hơn về giá trị của việc học nghề. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ học phí, cấp chứng chỉ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tham gia đào tạo.

Huyện Sơn Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được điều này, công tác đào tạo nghề không chỉ giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng của người dân, Sơn Dương đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn của mình. Đào tạo nghề không chỉ là giải pháp cho bài toán lao động hiện tại mà còn là nền tảng, để xây dựng một Sơn Dương phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở Sơn Dương là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc đầu tư vào con người. Với những giải pháp cụ thể và sự quyết tâm cao, huyện không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn xây dựng một xã hội văn minh, phát triển toàn diện.