Tham dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản việt Nam Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Khiết; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang qua các thời kỳ; đại diện các tỉnh bạn; đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ lão thành cách mạng, các tầng lớp Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Về phía Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh tham dự.
Đọc diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nêu rõ: Tuyên Quang là vùng đất có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Trong suốt tiến trình lịch sử hình thành và phát triển, Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn tràn đầy ý chí kiên cường, nghị lực, lạc quan, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, sống nghĩa tình, nhân ái, cùng nhau xây dựng Tuyên Quang tươi đẹp.
Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, nhưng dưới ánh sáng soi đường của Đảng và sự nỗ lực bền bỉ, sáng tạo của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, qua 30 năm tái lập tỉnh, Tuyên Quang đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với nền tảng KT-XH phát triển vững chắc. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
So với năm 1991, năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tăng 30 lần; thu ngân sách tăng gần 30 lần; quy mô, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 220 lần. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển mạnh, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao được hình thành với giá trị sản xuất bình quân đạt 96 triệu đồng/ha đất trồng trọt. Tiêu biểu là vùng trồng cam trên 8.000 ha, chè 8.000 ha, lạc trên 4.000 ha, trên 180.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ nguyên liệu và các chuỗi liên kết chăn nuôi, tạo nền móng cho phát triển công nghiệp chế biến, góp phần quan trọng nâng cao đời sống Nhân dân.
Kinh tế du lịch phát triển tích cực, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tỉnh đã tổ chức quy hoạch bài bản các khu du lịch trọng điểm, nhờ đó Tuyên Quang đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này, như Tập đoàn VinGroup đang hoàn thiện dự án du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm; Tập đoàn SunGroup đang đầu tư vào khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; Tập đoàn Flammigo đầu tư phát triển dịch vụ tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào…
Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ, ngày càng đồng bộ. Đến nay, 100% số xã và 99% thôn, bản có đường ô tô; trên 97 % đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa. Với phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, từ năm 2011 - 2020 toàn tỉnh bê tông hóa trên 4.200km đường giao thông nông thôn. Hạ tầng thông tin, hạ tầng điện phát triển sâu rộng, đến nay 100% xã, phường, thị trấn có kết nối internet, điểm cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 98%. Hạ tầng đô thị được quan tâm phát triển, thành phố Tuyên Quang được công nhận là đô thị loại II, trung tâm 06 huyện đều đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả tích cực. Hết năm 2021, toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn NTM, bằng 44,3% tổng số xã toàn tỉnh. Diện mạo từ nông thôn đến thành thị có nhiều khởi sắc.
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống giáo dục được hình thành từ bậc mầm non đến đại học. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế phát triển sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, ứng phó tốt với các tình huống, nhất là phòng chống đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua, góp phần giữ vững “vùng xanh”, bảo vệ an toàn sức khỏe cho Nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ “không ai bị bỏ lại phía sau”. Số hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 0,9 %.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Việc thực hiện Quy định giao việc đột phá, đổi mới cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp đang đem lại hiệu quả tích cực. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương được tăng cường, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội có nhiều đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường, tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
“Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang nguyện sẽ phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đồng lòng, chung sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã giành được trong chặng đường xây dựng và phát triển những năm qua và khẳng định: Những thành tựu mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đạt được rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh Tuyên Quang là dịp để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào ôn lại chặng đường vẻ vang của tỉnh, đồng thời trao truyền cho các thế hệ mai sau, biến niềm tự hào thành sức mạnh, thành hành động của mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng gợi mở một số nội dung tại Lễ kỷ niệm: Trước tình hình mới, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống xã hội, tỉnh cần có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho Nhân dân, khôi phục và phát triển KT-XH. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tưu xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp. Cùng với phát triển kinh tế, phải hết sức chăm lo bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
“Phát huy ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, đưa Tuyên Quang sớm trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Tuyên Quang.