Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tuyển cao đẳng để đủ giáo viên dạy chương trình mới: Giải pháp nào là căn cơ? (Bài cuối)

Sỹ Hào - 07:15, 04/04/2024

Việc tuyển người có trình độ cao đẳng sẽ giải quyết tình trạng thiếu giáo viên (GV) một số bộ môn trong Chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng khi trình cấp thẩm quyền ban hành.

Tuyển cao đẳng để đủ giáo viên dạy chương trình mới: Giải pháp nào là căn cơ? (Bài cuối)
Với 135 cơ sở đào tạo GV, gồm 31 ngành trình độ đại học, hệ thống các trường, khoa sư phạm cung cấp hàng năm khoảng hơn 20.000 sinh viên tốt nghiệp.

Tránh tình trạng “dành phần”

Giai đoạn 2022-2026, Trung ương giao bổ sung 65.980 biên chế GV cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Trong đó, năm học 2022-2023 cho phép tuyển bổ sung 27.850 GV; năm học 2023-2024 tuyển bổ sung 27.860 GV; số còn lại tiếp tục được tuyển dụng trong 2 năm hc còn lại (2024-2025; 2025-2026).

Nghịch lý là, dù đang thiếu GV nhưng các địa phương lại không tuyển đủ biên chế được giao. Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, đến hết học kỳ I của năm học 2022 – 2023, các địa phương chỉ tuyển 15.450/27.850 GV, đạt tỷ lệ 55,5%; trong đó, bậc Tiểu học tuyển thêm được 5.398/8.162 chỉ tiêu (đạt tỷ lệ 66%); bậc Trung học cơ sở tuyển thêm được 2.906/4.665 chỉ tiêu (đạt tỷ lệ 62,3%).

Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn GV đúng trình độ, chuyên ngành phù hợp với các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, thì nhiều địa phương có tâm lý “dành phần”. 

Điều này được Bộ GD&ĐT nhìn nhận trong “Báo cáo đánh giá quy định pháp luật có liên quan về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018”.

“Nhiều địa phương có tình trạng dành lại biên chế được giao để thực hiện tinh giản biên chế, mặc dù chưa đảm bảo tỷ lệ GV/lớp theo quy định”, Bộ GD&ĐT khẳng định.

Nhớ lại thời điểm trước khi vận hành Chương trình GDPT mới, rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ một bộ phận GV đảm nhận các môn học tự chọn (Lịch sử - Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật,...) sẽ thất nghiệp, vì không có học sinh đăng ký học. Nhưng sau 5 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, không phải không có học sinh theo học mà là thiếu GV để giảng dạy các môn tự chọn này.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 135 cơ sở đào tạo GV, gồm 31 ngành trình độ đại học. Trong đó có 15 trường đại học sư phạm (ĐHSP), gồm: 6 trường ĐHSP, 6 trường ĐHSP kỹ thuật; 2 trường ĐHSP Thể dục thể thao và Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

Ngoài ra, cả nước còn có 50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo GV; 20 trường cao đẳng sư phạm và 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo GV. Hệ thống các trường, khoa sư phạm cung cấp hàng năm khoảng hơn 20.000 sinh viên tốt nghiệp.

Tuyển cao đẳng để đủ giáo viên dạy chương trình mới: Giải pháp nào là căn cơ? (Bài cuối) 1
Nhiều trường cao đẳng sư phạm trên cả nước đã liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa học, vừa làm. (Một giờ học của Lớp Sư phạm Công nghệ Tiểu học trình độ đại học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn)

Do vậy, không thể nói là các địa phương không có nguồn tuyển dụng GV cho các môn học tự chọn trong Chương trình GDPT mới. Phải chăng vì tâm lý “dành lại biên chế được giao để thực hiện tinh giản biên chế” nên các địa phương không mạnh dạn tuyển dụng GV? Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp?

Tìm giải pháp căn cơ

Tình trạng thiếu GV cục bộ cho Chương trình GDPT mới, trong khi hàng chục nghìn cử nhân sư phạm thuộc các chuyên ngành ra trường nhưng đang thất nghiệp, là vấn đề mà toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT đề xuất Quốc hội ra Nghị quyết về cơ chế đặc thù tuyển người có trình độ cao đẳng để giải quyết tình trạng thiếu GV một số bộ môn trong Chương trình GDPT 2018 dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, việc cho phép tuyển người có trình độ cao đẳng không làm phát sinh biên chế, không phát sinh các thủ tục hành chính mới,... Sau khi được tuyển dụng, chế độ, chính sách của GV được áp dụng theo các quy định hiện hành của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT.

Nhưng để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là quy định của Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT khẳng định, sau khi được tuyển dụng, GV sẽ tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ theo quy định để đến năm 2030, bảo đảm đạt chuẩn theo quy định. Điều này đồng nghĩa ngân sách nhà nước và các GV được tuyển dụng sẽ phải chi phí một khoản không nhỏ để tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuẩn.

Theo Bộ GD&ĐT, để đáp ứng chuẩn trình độ theo quy định, GV sẽ phải tham gia chương trình đại học, với 2 hình thức: chính quy và vừa học, vừa làm. Chưa tính các khoản chi phí khác, thì học phí trình độ đại học giai đoạn 2024 – 2030 bình quân được Bộ GD&ĐT ước tính là 1,79 triệu đồng/người đối với hệ chính quy; và 2,7 triệu đồng/người đối với hệ vừa học, vừa làm.

“Dự kiến có 50% GV đào tạo chính quy và 50% GV tham gia đào tạo hệ vừa học vừa làm; thời gian học bình quân thực tế là 15 tháng, tổng kinh phí cần là 400 tỷ đồng từ năm 2024 đến năm 2030, do ngân sách địa phương bảo đảm”, Bộ GD&ĐT diễn giải.

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, khi cơ chế cho phép tuyển người có trình độ cao đẳng được ban hành, thì các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10.000 GV có trình độ cao đẳng. Như vậy, sẽ có khoảng 5.000 GV tham gia học đại học hệ chính quy ngay sau khi được tuyển dụng; khoảng 5.000 GV còn lại sẽ vừa học, vừa làm.

Vị chi, dù đề xuất được thông qua thì ngành GD&ĐT cũng chưa thể giải bài toán thiếu GV ở một số môn học của Chương trình GDPT mới ngay trong năm học 2024-2025. Bởi theo ước tính của Bộ GD&ĐT, trong năm học 2024-2025, bậc Tiểu học còn thiếu 6.621 GV Tin học và 5.780 GV Ngoại ngữ; bậc Trung học cơ sở thiếu 11.598 GV môn Công nghệ, 2.366 GV môn Khoa học tự nhiên và 4.321 GV môn Nghệ thuật.

Tuyển cao đẳng để đủ giáo viên dạy chương trình mới: Giải pháp nào là căn cơ? (Bài cuối) 2
Ở miền núi, nhiều trường vẫn thiếu GV, trong khi một số điểm trường chỉ có vài học sinh, học lớp ghép 2 - 3 trình độ nên phương án là đưa các em về điểm trường chính hoặc các thầy cô môn Tin học, Tiếng Anh phải lên tận bản để dạy. (Ảnh minh họa)

Đề xuất của Bộ GD&ĐT có thể xem là giải pháp tình thế để bảo đảm đủ GV vận hành Chương trình GDPT mới. Nhưng sau khi được tuyển dụng, các GV này sẽ phải bố trí thời gian, kinh phí để tham gia nâng cao trình độ, liệu có đáp ứng được yêu cầu giảng dạy trong Chương trình GDPT mới?.

Ngoài ra, ngân sách địa phương sẽ chi một khoản không nhỏ để hỗ trợ GV; trong khi, hàng chục nghìn cử nhân sư phạm thuộc 31 ngành đào tạo đã ra trường đang chưa có việc làm; cùng với đó là rất nhiều sinh viên sư phạm đang được Nhà nước hỗ trợ học tập tại các cơ sở giáo dục trên cả nước chuẩn bị tốt nghiệp. 

Đây là những vấn đề cần được xem xét, thảo luận, tính toán kỹ lưỡng khi trình cấp thẩm quyền ban hành cơ chế tuyển người có trình độ cao đẳng để giải quyết tình trạng thiếu GV một số bộ môn trong Chương trình GDPT 2018.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.