Trong suốt một tháng qua, các hãng tin, báo, trang mạng và viện nghiên cứu lớn và có uy tín của Đức như hãng thông tấn DPA, FAZ (Toàn cảnh Frankfurt), DW (Làn sóng Đức), Junge Welt (Thế giới trẻ) và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đã có những bài viết đánh giá cao chiến lược chống dịch của Việt Nam, có thể coi đây là mô hình tham khảo cho các nước.
Trong bài viết trên trang tin Handelsblatt (Thương mại) ngày 22/4, tác giả đặt câu hỏi làm thế nào để Việt Nam chiến thắng một cách ngạc nhiên trong cuộc chiến chống COVID-19. Câu trả lời nằm ở sự phản ứng từ rất sớm của giới chức quốc gia Đông Nam Á này. Đăng bức ảnh cảnh báo về virus SARS-CoV-2 chụp ở Hà Nội, tác giả bài viết chú thích rằng Việt Nam được các chuyên gia coi là một trong số ít điểm sáng trong cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19.
Bài viết bắt đầu bằng vụ việc ở xã Sơn Lôi, cách Hà Nội 40 km. Khi xã này mới chỉ có 6 ca mắc COVID-19, giới chức địa phương đã có một động thái quyết liệt là thực hiện phong tỏa cả cộng đồng 10.000 dân trong xã và không ai được rời khỏi xã trong 20 ngày. Với quyết định được đưa ra ngày 13/2 này, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tiến hành cách ly quy mô rộng lớn để chống dịch. Khi các thành phố ở Đức vẫn đắm chìm trong không khí lễ hội, thì quốc gia mới nổi ở Đông Nam Á đã chuyển sang chế độ khủng hoảng.
Việt Nam đã được đền đáp với quyết định hành động sớm của mình. Ngày 22/4, giới chức y tế quốc gia gần 100 triệu dân này đã thông báo ngày thứ 6 liên tiếp không có ca nhiễm mới nào. Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 268 ca và không có trương hợp tử vong nào do dịch bệnh. Do đó, Việt Nam được các chuyên gia coi là một trong số ít điểm sáng trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch và cũng hy vọng Việt Nam có thể đối phó tương đối tốt với khủng hoảng về mặt kinh tế. Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Takeshi Kasai đã đánh giá cao các biện pháp kiểm soát khủng hoảng dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam, trong đó việc người dân giữ kỷ luật khi thực thi biện pháp giãn cách xã hội góp phần rất lớn vào thành công này.
Bài viết dẫn ý kiến của các nhà kinh tế nhận định trong khi hầu hết các quốc gia châu Á rơi vào suy thoái thì Việt Nam vẫn có thể đạt được tăng trưởng một cách đáng chú ý. Trong dự báo năm được công bố tháng 4 này, cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhận định Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế quốc dân ở Đông Nam Á, thậm chí vượt cả Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia từ lâu muốn đóng vai trò là động lực tăng trưởng của châu Á.
Tuy nhiên, một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam cũng bị tác động bởi nhu cầu suy yếu toàn cầu. IMF đánh giá Việt Nam vẫn sẽ đạt tăng trưởng gần 3%, trong khi ADB đánh giá đạt gần 5%. Bài viết cũng đánh giá Việt Nam đạt được thành công trong phòng chống dịch dù khởi đầu không được thuận lợi. Việt Nam nằm sát trực tiếp với Trung Quốc, nơi có những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, trong khi du khách người Trung Quốc chiếm tới 1/3 số du khách nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không có được nguồn lực dồi dào cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng khoảng 200.000 xét nghiệm sàng lọc COVID-19, nhiều hơn bất cứ nước nào khác ở Đông Nam Á. Ông John MacArthur, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) khu vực Đông Nam Á nhận định Việt Nam phòng chống dịch với quyết tâm chính trị cao nhất từ rất sớm.
Tác giả cũng đánh giá Việt Nam luôn cởi mở và minh bạch trong cuộc khủng hoảng COVID-19, theo đó Chính phủ tiến hành họp báo hằng ngày để công bố thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh. Đạt được thành công trong kiểm soát dịch, Việt Nam cũng hỗ trợ nhiều nước trên thế giới như tặng khẩu trang y tế cho các nước đang cần, và Đức là một trong những nước nhận được số vật tư này của Việt Nam.