Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trung Bộ hối hả sản xuất lúa hè thu

Nguyễn Thanh - 11:41, 07/06/2021

Dẫu nắng nóng găy gắt nhưng để kịp tiến độ cho sản vụ hè thu, nông dân vùng Trung Bộ vẫn tranh thủ xuống đồng vỡ đất, hối hả gieo cấy. Niềm vui được mùa lúa xuân như tiếp thêm động lực để bà con nông dân nơi “chảo lửa” đẩy nhanh sản xuất lúa hè thu.

Nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cấy lúa hè thu
Nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cấy lúa hè thu

Tránh nắng để sản xuất

Những ngày qua, sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, các địa phương trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đang tập trung nhân lực, phương tiện máy móc tiến hành sản xuất vụ mới đảm bảo thời vụ. Vụ hè thu này, toàn huyện dự kiến gieo cấy chừng 5.500ha lúa, với hơn 80% là các giống lúa chất lượng cao.

Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, thông tin: “Chúng tôi đang chỉ đạo bà con tích cực xuống đồng, đẩy nhanh tiến độ để sớm khép kín diện tích. Hiện tại, diện tích ruộng lúa thiếu nước không thể sản xuất hoặc sản xuất lúa hiệu quả thấp đang được vận động để Nhân dân chuyển đổi sang các cây trồng cạn khác như đậu xanh, ngô, lạc, rau các loại…”

Tương tự Triệu Phong, tại các địa phương khác như Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ… của tỉnh Quảng Trị, nông dân cũng đang hối hả xuống đồng. Theo kế hoạch, Quảng Trị sẽ gieo cấy 23.500ha và sử dụng 100% giống ngắn ngày và cực ngắn ngày nhằm phòng chống mưa lũ vào cuối vụ. Đã có 400ha ruộng thiếu nước được chuyển đổi sản xuất; công tác phòng chống xâm nhập mặn, sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh lùn sọc đen, được chỉ đạo rất quyết liệt…

Vụ hè thu được tỉnh Quảng Trị tăng cường sử dụng cấp giống nguyên chủng hoặc xác nhận, lượng giống gieo sạ từ 70 - 80 kg/ha. Các giống lúa chủ lực: HN6, HT1, HC95, Bắc thơm 7, Đài thơm 8, Khang dân… được cơ cấu chính tại nhiều vùng đất. Thời gian gieo cấy chính vụ từ 10/5 - 5/6/2021.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ hè thu năm nay, tỉnh phấn đấu gieo cấy 44.186ha lúa. Các vùng chuyên canh lúa như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà… đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân bám ruộng đồng, gieo cấy kịp thời vụ.

Nông dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) khẩn trương gieo cấy vụ hè thu
Nông dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) khẩn trương gieo cấy vụ hè thu

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: So với các năm trước thì vụ sản xuất hè thu năm nay có nhiều thuận lợi. Kết quả thu hoạch vụ đông xuân rất tốt đã tạo động lực lớn để bà con nông dân toàn tỉnh bắt tay vào vụ hè thu sớm và đồng loạt. 

Nguồn nước tưới các hồ đập trên địa bàn cơ bản đáp ứng đủ vùng tưới. UBND tỉnh cũng chủ trương phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn của các địa phương đã tạo điều kiện để tăng tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất đạt từ 95 - 100%, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và đảm bảo thực hiện khung thời vụ tập trung.

Tại Quảng Bình, vụ hè thu 2021, toàn tỉnh gieo cấy gần 15.000ha lúa các loại. Ðể bảo đảm vụ lúa thắng lợi, Sở NN&PTNT tỉnh đã hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn như: PC6, HT1, DB6… 

Nhờ chủ động nguồn nước tưới cho nên việc gieo sạ ở địa phương đúng tiến độ và lịch thời vụ. Ðến 31/5, tỉnh Quảng Bình cơ bản xuống giống xong vụ lúa hè thu, phấn đấu thu hoạch trước 30/8 để tránh mưa lũ.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ

Không khí xuống đồng, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh tiến độ sản xuất hè thu đang là câu chuyện chung trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Ông Dương Xuân Huy ở thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà) cho biết: “Những ngày này, nhà tôi đã phải ra đồng khi chưa có mặt trời. Máy cày, máy dập chạy suốt cả đêm nên không ai bị đứt quãng thời vụ. Khung giờ nắng thấp như 3h-7h và từ 17h-19h đã được bà con tận dụng tối đa để đẩy nhanh tiến độ”.

Đến hết ngày 2/6, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã gieo cấy được hơn 22.507ha/44.186ha, đạt 50,94% kế hoạch. Trong đó, diện tích bắc mạ đạt 88,2ha; diện tích gieo thẳng hơn 22.487ha. Toàn tỉnh cũng đã hoàn thành gần 94,63% kế hoạch làm đất; một số địa phương làm sớm như: Vũ Quang (100%), Can Lộc (98%), Cẩm Xuyên (96,03%), TX Kỳ Anh (95,24%)…

Chi cục Trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà nhận định: Dự kiến, đến khoảng ngày 6/6 tới, toàn tỉnh sẽ hoàn thành khoảng 90% diện tích gieo cấy vụ lúa hè thu và khả năng đến 10/6 sẽ kết thúc thời vụ gieo cấy hè thu.

Nông dân huyện Triệu Phong (Quảng Trị) làm đất sản xuất hè thu
Nông dân huyện Triệu Phong (Quảng Trị) làm đất sản xuất hè thu

Tính đến ngày 30/5/2021, toàn tỉnh Quảng Trị đã gieo được hơn 15.000ha (đạt 67% diện tích). Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sĩ Đồng, với tiến độ gieo cấy như hiện nay, nguy cơ lúa bị ảnh hưởng do mưa lũ cuối vụ là rất lớn. Tỉnh đang yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương có tiến độ gieo sạ chậm tập trung huy động nhân lực, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa, hoàn thành chậm nhất vào ngày 5/6/2021.

Để đạt chỉ tiêu sản xuất lương thực của tỉnh trong năm 2021 là 1.208.500 tấn, vụ hè thu - vụ mùa năm nay, tỉnh Nghệ An phấn đấu đạt 433.450 tấn lương thực. Theo đó, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 90.000ha lúa, 12.000ha ngô, trong đó cơ cấu 30.000ha lúa chất lượng cao, khoảng 11.500ha lúa lai. 

Cùng với chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng, thì việc chủ động sớm, phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại cũng là một trong những yêu cầu quan trọng, do vụ Hè thu- Mùa năm nay được nhận định là vụ sản xuất mà các đối tượng dịch h ạicó thể diễn biến rất phức tạp.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho hay: Các huyện phải coi chỉ đạo sản xuất vụ Hè thu- Mùa là nhiệm vụ chính trị quan trọng để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác chỉ đạo sản xuất. Trên cơ sở đề án sản xuất của tỉnh, từng địa phương xây dựng đề án phù hợp tình hình cụ thể, nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có. Phải có sự quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các địa phương phải tích cực chỉ đạo bà con nông dân bám khung lịch, đẩy nhanh tiến độ sản xuất.

Chỉ còn ít ngày nữa, diện tích sản xuất vụ hè thu 2021 ở vùng Trung Bộ sẽ được khép kín. Với sự chủ động, linh hoạt, sản xuất sớm… và kinh nghiệm tổ chức sản xuất qua nhiều năm, tin chắc vụ hè thu 2021 sẽ thắng lợi.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.