Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hồi sinh vùng “rốn lũ”: Màu xanh trở lại (Bài 2)

Nguyễn Thanh- CĐ - 19:19, 19/05/2021

“Rốn lũ” đã hồi sinh bằng những ánh mắt vui tươi bên những nương keo, vườn chè, ruộng lúa; bên những đàn vật nuôi nung núc trong chuồng; bên những con đường rải nhựa phẳng lì đổ về mỗi thôn làng… Nhưng vui hơn, qua lũ lụt, người dân Trung Bộ đã ngẫm ra rằng: sự đoàn kết, chủ động, “đồng cam cộng khổ”… chính là những yếu tố để họ chống chọi và vượt qua thiên tai.


Cảnh thanh bình ở vùng lũ xã Tân Ninh huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)
Cảnh thanh bình ở vùng lũ xã Tân Ninh huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)

Xanh lại những vườn đồi

Chúng tôi đã trở lại Hướng Hóa (Quảng Trị) sau gần nửa năm bị lũ quét qua. Chuối ở Hướng Hóa là cây thoát nghèo của bà con Pa Cô, Vân Kiều từng bị lũ quật tơi bời, cũng đã xanh ngắt tự thở nào. Những gà, lợn… từng bị lũ cuốn trôi cũng đã được gây đàn và đang sinh sôi.

Xa xa, trên những quả đồi, là những cánh quạt gió quay suốt ngày đêm xen lẫn màu xanh bạt ngàn của những đồi keo, nương sắn. Tất cả khiến nhiều người vẫn nghĩ nơi đây thực sự yên bình như chưa hề có lũ lụt đi qua.

Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: Sau lũ là những tháng ngày cật lực khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Đó là một kì tích của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân nơi đây mới có được như ngày hôm nay.

Chúng tôi về xã “6không” – Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Điều khiến mọi người không ngờ, dấu vết của trận lũ năm ngoái dường như không còn. Những bùn đất từ bức tường, bậu cửa, những đống đổ nát do sạt lở, những cây cối ngả nghiêng nhuộm màu nâu sẫm… đã được “gột rửa” hoàn toàn. Những đứa trẻ xúng xính trong những bộ áo quần mới tinh tung tăng đến lớp; dọc đường đổ về trung tâm xã, hai bên đường là những cụm hoa khoe sắc trong nắng hạ.

Từng là bãi bồi ngập úng khi mùa lũ, nhưng nước rút, bà con vùng Bích Hào đã biến nơi đây thành bức tranh tuyệt đẹp với màu xanh của ngô, vàng của hoa cải…
Từng là bãi bồi ngập úng khi mùa lũ, nhưng nước rút, bà con vùng Bích Hào đã biến nơi đây thành bức tranh tuyệt đẹp với màu xanh của ngô, vàng của hoa cải…

Bà Hồ Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cười rõ tươi: Chúng tôi đã cải tạo những 10ha diện tích đất sản xuất rồi đấy, bà con đã bắt đầu xuống giống ngô, sắn… Các công trình hạ tầng cơ sở cũng đã được khôi phục để hoạt động trở lại.

Nay, chẳng ai nghĩ nơi “rốn lũ” Trung Bộ từng chịu cảnh nhà trôi, làng ngập… Tất cả đã lùi xa để nhường chỗ cho màu xanh ngút ngát với nương sắn, đồi keo; với nếp nhà sàn bình yên lẩn khuất sau những tán rừng thâm u. Cảm nhận ấy đã theo đuổi tôi qua nhiều vùng đất suốt các huyện miền Tây giáp biên như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An - nơi mà cuối năm 2020 từng là vùng bị cô lập nhiều ngày do mưa lũ.

Năm nào cũng lũ nên quen rồi. Nên sau lũ là bắt tay ngay vào sản xuất, như thế mới có được màu xanh như hôm nay.

Ông Nguyễn Văn ThếNgười dân xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An

Ông Lê Ngọc Huấn, Bí thư Huyện ủy huyện “rốn lũ” Hương Khê (Hà Tĩnh) vui vẻ: Sau lũ, chính quyền cùng bà con bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Những “vựa” bưởi Phúc Trạch nức tiếng đã được chăm bón tốt hơn, những đồi keo bị hư hỏng cũng đã được trồng dặm... Chỉ sau lũ chừng 1 tháng, màu xanh đã trở lại trên những nương đồi ở Hương Khê.

Về vùng Bích Hào, huyện Thanh Chương (Nghệ An), người lữ khách cũng sẽ ngạc nhiên trước sự “trở mình” đến không ngờ sau lũ. Đây là vùng thấp trũng, “chưa mưa đã ngập”, nhưng dấu vết bùn đất do lũ đã ở đâu đó rất xa. Mùa gặt hôm nay, vùng Bích Hào đang chuẩn bị vào vụ. Lúa trên những thửa ruộng từng ngập chìm trong lũ, nay đã ngả vàng chờ thu hoạch.

Phía cung đường mòn Hồ Chí Minh từ Thanh Thủy đến Thanh Lâm ngót 20km bạt ngàn chè, keo, sắn. Bà con vùng miền núi nơi đây đang hối hả thu hoạch keo, chè… rộn rã tiếng nói cười trong nắng sớm.

Những bài học “sinh tử”

Bài học ứng phó với thiên tai, bão lũ mà bà con vùng lũ có được là quá đắt. Thế nên chẳng lạ lẫm gì khi mà đường tắc lũ vây, bốn bề chia cắt; khi mà lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận, họ đã huy động tối đa nguồn lực tại chỗ để cứu nhau qua cơn đói, cái lạnh; giúp nhau chằng chống, kê chắn nhà cửa.

Nơi rốn lũ hôm nào đã ngập sắc xanh
Nơi rốn lũ hôm nào đã ngập sắc xanh

Những đợt sạt lở đất kèm lũ lụt ở miền Tây các tỉnh Nghệ An đến Huế cuối năm 2020, là minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy. Nếu không nắm chặt tay, cùng những nỗ lực nội tại để chống chọi với thiên nhiên trước khi có “viện binh” từ bên ngoài, hẳn hậu quả sẽ còn hơn thực tế.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhấn mạnh: Lũ cuối năm 2020 nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở Thanh Mỹ, Hạnh Lâm, thị trấn, Thanh Mai, Thanh Tùng… Nhiều vùng bị chia cắt và lực lượng chức năng không thể tiếp cận. Bà con vùng lũ đã tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc kê giúp tài sản, cứu người, chia sẻ bữa ăn, ngụm nước…

Đó là điều rất đáng quý và đang trận trọng và không có những điều ấy thì hậu quả còn khiếp hơn. Từ trong lũ, người dân đã nắm chặt tay nhau hơn để vượt qua hoạn nạn bằng tình người, bằng những bài học được đánh đổi qua năm tháng chống chọi với thiên tai… để hồi sinh.

Sau lũ – những lứa quả đầu tiên đang được người dân Cự Nẫm huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thu hoạch
Sau lũ – những lứa quả đầu tiên đang được người dân Cự Nẫm huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thu hoạch

Bí thư Huyện ủy Minh Hóa (Quảng Bình) Bùi Anh Tuấn khẳng định: Bài học bốn tại chỗ đã được người dân vùng lũ phát huy hiệu quả. Nước vây tứ bề và chảy xiết, cơ quan chức năng không tiếp cận được mà chỉ chỉ đạo thêm qua điện thoại. Tôi nhận thấy, tâm thế chủ động ứng phó với mưa lũ của bà con đã được nâng lên rất nhiều.

Tôi đã đi qua nhiều mùa lũ, từng vật lộn cùng người dân rốn lũ… ở miền Trung, mới hay, người dân nơi ấy thật kiên cường. Khổ từ tấm bé, lớn lên giữa bộn bề mưa lũ… đã tôi rèn những người vùng lũ. Tôi cứ cảm nhận rằng, người dân vùng lũ luôn sẵn sàng đón lũ với tâm thế bình thản, chủ động; dẫu mưa lũ có khi cướp trắng tất thảy những gì quý giá nhất.


Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.