Xót xa rừng cây mình trồng mà không được khai thác
Ông Nguyễn Viết Vinh - công dân xóm 9, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn nhận khoảng 7 ha đất rừng ở mỏm núi Đại Huệ từ năm 2007, để trồng keo theo chủ trương của UBND huyện Nam Đàn.
Ông nói trong xót xa: “Lúc đó, đây là rừng nghèo kiệt, chỉ toàn cây bụi và lau lách. Huyện và xã vận động chúng tôi nhận đất để trồng keo. Chúng tôi vất vả dọn dẹp mới có đất sạch để sản xuất”.
Còn ông Võ Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh thì cho biết: Thời điểm đó có 34 hộ dân của xã nhận đất rừng để sản xuất, mỗi hộ nhận khoảng 5 - 7 ha. Trước đó, rừng ở đây liên tục bị cháy. Để phủ xanh đất trống đồi trọc, chính quyền đã vận động người dân trồng keo để vừa có thu nhập, vừa giữ được rừng.
Đến năm 2014, bà con đã khai thác keo để bán và tiếp tục đầu tư để trồng lứa khác. Keo đủ tuổi, năm 2021, bà con vào rừng mình khai thác thì bị bảo vệ rừng ngăn cản. Họ thông báo là khu vực này đã được quy hoạch thành rừng đặc dụng.
Ông Lê Công Hòa - một hộ trồng keo, bức xúc: “Họ quy hoạch thành rừng đặc dụng lúc nào chúng tôi không hề biết. Khi chúng tôi trồng keo họ cũng không có ý kiến gì. Tại sao chúng tôi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng keo trên đất đã được chính quyền giao lại không được thu hoạch, cũng không được bồi thường?”.
Ngoài ra, ông Hòa cũng cho biết, từ năm 2007, các hộ dân được xã vận động nhận đất rừng để trồng keo và đến kỳ thu hoạch thì đóng cho xã 80 kg/ha. Lứa keo thứ nhất, ông Hòa và bà con thu hoạch “ngon lành”, xong đã đóng “nghĩa vụ” cho xã đầy đủ. Thế mà đến lứa thứ hai, đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đầu tư thì không được thu hoạch nữa.
Ông Hòa vẫn chưa thôi bức xúc: “Rừng keo này là kế sinh nhai của gia đình tôi. Không cho thu hoạch cũng không đền bù cho chúng tôi là quá vô lý”.
Cũng lời ông Hòa, đã quá kỳ thu hoạch rồi, nhưng người dân vẫn phải đứng nhìn cây mình trồng mà không được thu hoạch. Hồi tháng 9 năm ngoái, một cơn bão làm đổ gãy nhiều cây, nhưng nào có ai được thu hoạch đâu. “Xót quá các anh ạ, tiền mình bỏ ra, cây mình tốn công trồng, thế mà không được đụng đến một cây”, ông Hòa than vãn.
Không chỉ ở xã Nam Thanh, mà các xã Nam Hưng, Thượng Tân Lộc, Nam Thái, Nam Kim (huyện Nam Đàn) cũng chung số phận. Nhiều hộ dân đã bỏ công sức tiền của, trồng keo từ 10 đến 15 năm nay nhưng giờ không được thu hoạch, cũng chỉ vì bị quy hoạch thành rừng đặc dụng.
Chủ tịch UBND xã Nam Hưng - ông Nguyễn Văn Xuân cho biết: Xã chúng tôi có khoảng 100 ha rừng được bà con trồng keo, nhưng không được khai thác. Bất kỳ cuộc tiếp xúc cử tri nào người dân cũng kiến nghị nội dung này, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Đặc biệt, tại xã Thượng Tân Lộc, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đàn (nay là Ban Quản lý rừng đặc dụng) được sự cho phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNTT) Nghệ An, đã cho bà con trồng 300 ha rừng với mục đích phủ xanh đất trồng đồi trọc, tạo công ăn việc làm cho người dân, nay cây keo đã được 15 tuổi mà bà con vẫn không được khai thác.
Chờ đến bao giờ
Theo ông Võ Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh, quy hoạch rừng đặc dụng tại rừng keo đã giao cho người dân trồng keo sản xuất là không phù hợp. Vì ở khu vực này không có rừng tự nhiên, không có di tích lịch sử…
Trong lúc đó, báo cáo của UBND huyện Nam Đàn lại chỉ ra nguyên nhân: “Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án quy hoạch rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử tại huyện Nam Đàn với diện tích 3.069 ha, trong đó có hơn 1.700 ha rừng phòng hộ, 410 ha rừng sản xuất, 240 ha đồi hoang và gần 29 ha đất vườn được chuyển sang rừng đặc dụng. Do một số diện tích đất đã giao, cho thuê đất lâm nghiệp theo Nghị định 163 nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, khi lập hồ sơ đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, đơn vị quản lý rừng và UBND các xã không thông báo rõ với người dân nên người dân vẫn tiếp tục trồng keo. Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị cho khai thác keo nhưng huyện không thể xử lý vì vượt quá thẩm quyền”.
Từ kiến nghị của người dân, mới đây, UBND huyện Nam Đàn tiếp tục đề xuất cấp trên cho chuyển đổi gần 500 ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất để bà con được thu hoạch keo, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Đình Hùng - Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn, cho biết: Không chỉ bà con, mà chúng tôi cũng khổ khi mà nhiều diện tích rừng thông được trồng để lấy nhựa nhưng không thể khai thác. Đầu năm 2021, chúng tôi đã có tờ trình xin khai thác tận dụng cây phù trợ, nhựa thông, nhưng đến nay vẫn chưa được Tổng cục Lâm nghiệp trả lời.