Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phát triển kinh tế rừng giúp người dân giảm nghèo bền vững

Lý Dũng - 05:48, 03/11/2022

Xác định kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) đã tập trung quản lý hiệu quả diện tích đất đồi rừng. Đồng thời, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển trồng rừng gỗ lớn… Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Dự tính sau vài năm nữa, gia đình anh Hoàng Xuân Tài thôn Khe Lắc, xã Thanh Thịnh sẽ có thu nhập khá từ rừng quế
Dự tính sau vài năm nữa, gia đình anh Hoàng Xuân Tài thôn Khe Lắc, xã Thanh Thịnh sẽ có thu nhập khá từ rừng quế

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư nhiều chương trình, dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất như dự án PAM 5322, chương trình 327, dự án 5 triệu ha rừng (dự án 661), dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg và dự án bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 87 nghìn ha rừng trồng sản xuất, trong đó diện tích rừng trồng có trữ lượng là hơn 69 nghìn ha; diện tích rừng trồng chưa thành rừng là hơn 18 nghìn ha với các loài cây chủ yếu như mỡ, keo, thông, xoan, quế, trám, hồi, lát...

Hàng năm, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng mới được từ trên 4.000 ha rừng cùng hàng triệu cây phân tán... Đi đầu trong công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh là huyện Chợ Mới với diện tích rừng trồng sản xuất là 19.238 ha.

Về thôn Khe Lắc, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi của bản người Dao từng rất khó khăn này. Với con đường nội thôn được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, hai bên đường là những ngôi nhà xây hiện đại, khang trang. Sự đổi thay có được từ việc đầu tư phát triển trồng rừng.

Nhớ về Khe Lắc cách đây hơn hai chục năm trước, ông Hoàng Văn Tỵ, người cao tuổi trong thôn nhớ lại: Trước đây, ruộng ít nên nguồn sống của người dân trong thôn chỉ dựa vào khai thác rừng tự nhiên và mảnh nương nhỏ, trong khi kỹ thuật canh tác lạc hậu, thiên tai, mất mùa khiến người dân năm no, năm đói. Đến khi Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng cho từng hộ dân thì các gia đình mới nhận đất để trồng rừng theo các chương trình, dự án được hỗ trợ.

Là một trong những hộ đi đầu trồng rừng ở Khe Lắc, anh Đặng Nguyên Tiến cho biết: “Nhờ trồng rừng, gia đình tôi hiện có hơn chục ha, hầu hết là keo đã khép tán, không phải chăm sóc nữa, chỉ bảo vệ thôi. Nếu cứ phát triển tốt 3 - 4 năm nữa, với giá gỗ như hiện nay đến lúc khai thác chắc cũng được 500 - 600 triệu đồng.

Nhận thấy giá trị kinh tế từ việc trồng rừng, những năm qua người Dao ở Khe Lắc đã đẩy mạnh trồng rừng theo các chương trình, dự án của Nhà nước. Hiện nay Khe Lắc có hơn 400ha rừng trồng, chủ yếu là rừng keo, quế. Với những diện tích rừng trồng năm thứ nhất, thứ hai bà con đã chủ động trồng xen canh một số loại cây ngắn ngày như gừng, sắn. Cách làm “lấy ngắn nuôi dài” này đã mang lại hiệu quả kinh tế, bởi trong thời gian chờ cây đến tuổi khép tán thì người dân có thêm thu nhập.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn người dân trồng rừng
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn người dân trồng rừng

Anh Hoàng Xuân Tài, Trưởng thôn Khe Lắc chia sẻ: Từ việc trồng rừng, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng, tiêu biểu như các gia đình ông Đặng Nguyên Thìn, Hoàng Văn Xuân, Đặng Nguyên Tiến… sở hữu hàng chục ha rừng keo, mỡ, quế. Nhờ phát triển kinh tế lâm nghiệp từ nhiều năm nay nên hiện nay 63/64 hộ ở trong thôn Khe Lắc đã xây dựng được nhà cửa khang trang, thôn chỉ còn 6 hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm.

Ông Tạ Hữu Thung Chủ tịch UBND xã Thanh Thịnh cho biết: “Nhờ phát triển kinh tế từ trồng rừng mà đời sống của người dân thôn Khe Lắc được nâng cao, trở thành thôn điển hình trong phong trào trồng rừng trên địa bàn xã. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân vừa bảo vệ tốt diện tích rừng trồng trước đó và thực hiện trồng rừng mới mỗi năm khoảng 100ha diện tích rừng sau khai thác và phân tán, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và tăng thu nhập cho nông dân”.

Ông Triệu Đức Tiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới cho biết: Theo kế hoạch thực hiện trồng rừng giai đoạn 2021 – 2025, huyện Chợ Mới trồng lại diện tích rừng sau khai thác là 4.800ha, trồng rừng phân tán 1.200ha và trồng rừng cây gỗ lớn 1.500ha. Để thực hiện kế hoạch trồng rừng đạt kết quả cao, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn cách trồng, chăm sóc rừng. Đồng thời, cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rừng theo đúng mật độ và chăm sóc rừng đúng quy trình để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt. Phối hợp với phòng chuyên môn, các xã, thị trấn lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế rừng. Thực hiện kế hoạch trồng rừng hằng năm, hạt kiểm lâm còn chủ động tham mưu giúp UBND huyện trong công tác quản lý và phát triển rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia trồng rừng.

Từ việc chú trọng trồng rừng, hằng năm huyện Chợ Mới khai thác trên 50.000m3 gỗ các loại từ rừng trồng, qua đó không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người dân, mà còn góp phần phòng, chống lũ, điều tiết nước, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế biến đổi khí hậu.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Chợ Mới đã trồng được hơn 3.200ha rừng, trong đó trồng rừng lại sau khai thác là hơn 2.000ha, gần 1.000ha rừng phân tán và còn lại diện tích rừng trồng của Lâm trường. Bên cạnh đó, thực hiện Dự án KFW8 trên địa bàn một số xã, đến nay huyện đã đo đạc thực hiện dự án được 987ha; diện tích đánh dấu cây tỉa thưa được hơn 700ha, với 533 hộ dân tham gia và đã được cấp sổ tiết kiệm với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Ngoài ra, cấp chứng chỉ FSC với tổng diện tích hơn 921ha của 322 hộ dân tham gia tại các xã Hòa Mục, Cao Kỳ và Nông Hạ.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.