Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trồng lê trên “biển mây” Hồng Thái

Hiếu Anh - 15:04, 19/02/2020

Xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, nơi được mệnh danh là “biển mây” của người Dao vùng lòng hồ thủy điện. Cùng với những sản phẩm đã nổi tiếng trước đó như chè shan tuyết, rau trái vụ… cây lê đang được kỳ vọng là sản phẩm mới làm giàu cho người dân.

Người dân Hồng Thái đang chăm sóc cây lê
Người dân Hồng Thái đang chăm sóc cây lê

Bén duyên với đất Hồng Thái

Chúng tôi đến thăm Hồng Thái đúng dịp xã chuẩn bị được công nhận là xã nông thôn mới. Ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã tự hào khoe, trước đây Hồng Thái là một xã nghèo thuộc điện đầu tư của Chương trình 135. Tuy nhiên, người dân và chính quyền luôn xác định không chịu “ngồi yên” cam chịu đói nghèo. Những năm qua, người dân đã tích cực nuôi, trồng các loại cây mới, con mới nhằm tìm hướng đi cho Hồng Thái. 

Một trong những mối duyên lành đến với người dân Hồng Thái là năm 2001, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Tuyên Quang thử nghiệm Dự án trồng cây lê trên đất dốc. Ban đầu chỉ có vài hộ tham gia chương trình với những sự nghi ngại nhất định. Tuy nhiên, qua 7 năm triển khai, Sở KH&CN Tuyên Quang cho biết cây lê đã “bén duyên” với vùng cao Hồng Thái. Độ ngọt của quả lê ở Hồng Thái là 8,5 - 8,8%. Tỷ lệ ăn được của quả lê là 77%. Thành phần dinh dưỡng của lê Hồng Thái chẳng kém gì những loại lê nổi tiếng khác trong nước, thậm chí còn có phần nổi trội hơn, do được trồng ở khu vực núi cao, môi trường trong lành. 

Thành quả ngọt ngào ấy là động lực quan trọng để người dân Hồng Thái gia tăng cây lê trên đất của mình. Hiện nay, toàn xã có hơn 25ha với trên 3.000 cây lê. Vào mùa lê chín, cây ít nhất cũng cho 40 - 50kg quả, cây nhiều có thể đến trên 200kg. So với cây mận và các loại cây trồng khác thì cây lê đem lại giá trị kinh tế lớn hơn.

Mở hướng mới cho cây lê

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế từ phát triển sản xuất, vườn lê của Hồng Thái còn có một giá trị tiềm ẩn khác rất lớn, nếu được phát huy đúng cách. Ông Bàn Tiến Sỹ nhấn mạnh, trong những năm qua, được sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, người dân Hồng Thái đã tích cực phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Theo đó, Hồng Thái đã được đầu tư gần 50 tỷ đồng mở đường lớn đến các điểm du lịch. Cùng với đó, hàng chục hộ dân trong xã cũng đã đầu tư nâng cấp nhà ở làm nơi nghỉ dưỡng cho du khách. 

Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng xã Hồng Thái phát triển một cách bền vững, người dân luôn xác định “nội dung” du lịch là quan trọng nhất. Được biết, hiện nay, xã Hồng Thái đã xây dựng được thương hiệu du lịch dù lượn. Cứ đến tháng 10 hằng năm, khi mùa lúa chín, du khách trong và ngoài nước lại đổ về đây tham dự. Tuy nhiên, ngoài thời gian đó, khách đến Hồng Thái rất gần như không có. Để khắc phục điều này, xã đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch khác, trong đó, có dịch vụ ngắm hoa nở trên đồi như hoa cải vàng, hoa tam giác mạch… đặc biệt là hoa lê ngay sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán. 

Bà Đặng Thị Hưng, một hộ dân sống cạnh điểm nhảy dù cho biết: “Thời gian qua, khi đến tham quan lễ hội nhảy dù ở xã Hồng Thái, nhiều khách du lịch (cả trong nước và quốc tế) rất thích vào ngắm và chụp ảnh cùng vườn lê của gia đình”. 

Có thể nói, với những sự thay đổi tư duy trong sản xuất kinh tế, người dân xã Hồng Thái đang từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Hy vọng rằng, Hồng Thái sẽ vững tin, giữ đúng định hướng để phát triển bền vững.