Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích trồng chè, khoảng 22,7 nghìn ha, sản lượng thu hoạch trên 244,5 nghìn tấn với các trọng điểm sản xuất chè sạch tại các huyện: Sông Công, Phú Lương, Tân Cương, Đại Từ, Cao Sơn, Đồng Hỷ... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để phát huy hiệu quả kinh tế cây chè, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng vào đổi mới và phát triển hình thức liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ chè. Cụ thể, toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề.
Sản xuất chè theo tiêu chuẩn Vietgap là hướng triển vọng được người nông dân Thái Nguyên nhìn ra khi Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai mô hình sản xuất chè xanh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ), với diện tích 22ha, 87 hộ dân tham gia nhằm khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, giai đoạn 2020-2022.
Theo đánh giá, sau 3 năm triển khai, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục, kết hợp với bón phân NPK nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, mật độ búp đều, phiến lá dày, bóng; chè chế biến có vị đậm, hương cốm, tỷ lệ hao hụt ít.
Theo đó, năng suất chè đã tăng từ 112 tạ/ha (năm 2020) lên 135,2 tạ/ha (năm 2022); thu nhập của các hộ sản xuất trong mô hình đạt trên 218 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất thông thường 64,5 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, toàn bộ diện tích chè của mô hình đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được Hợp tác xã Thái Minh (trụ sở ở xã Văn Hán) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường từ 10-15% (tương ứng tăng 3-5 nghìn đồng/kg chè búp tươi). Đây là tín hiệu tích cực để mô hình tiếp tục được duy trì và mở rộng trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Trọng Lân, Trưởng xóm Phả Lý, xã Văn Hán, thành công của mô hình đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, bón phân cân đối, hợp lý và người nông dân đã tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc; đồng thời cây chè được chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật nên ít sâu bệnh; hạn chế tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tư duy, nhận thức của người làm chè tại Thái Nguyên đã có những bước chuyển biến rõ nét. Giờ đây, ngoài việc làm ra sản phẩm chè ngon, chè sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đậm đà hương vị truyền thống, họ đã bắt đầu phát triển sản phẩm du lịch gắn với cây chè và văn hóa trà nhằm nâng tầm giá trị loài cây này, góp phần xuất khẩu sản phẩm tại chỗ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, đóng góp sự phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.
Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn năm 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã xác định chè là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đây là cây có thế mạnh đặc biệt của địa phương này.Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt tổng diện tích 23.500 ha chè, sản lượng búp tươi trung bình đạt 273.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha.