Của quý cha ông để lại
Giữa chốn thâm sơn cùng cốc, quanh năm bao phủ bởi mây mù và hơi lạnh núi đá, ở bản Hấu Chua, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có gia đình lão nông người Mông - Hạng A Chứ đang sở hữu hơn 500 gốc chè Shan tuyết cổ thụ. Người dân ở bản Hấu Chua hay gọi ông là "vua" những loài cây "bất tử" có tuổi đời lên đến hằng trăm năm.
Ông A Chứ kể lại, từ khi ông sinh ra đã thấy bạt ngàn những cây chè cổ thụ trước nhà, cây chè đã đi vào tiềm thức của người dân vùng cao nguyên đá Tủa Chùa. Đã có nhiều câu chuyện kể về sức sống mãnh liệt của cây chè Shan tuyết cổ thụ, dù ở quanh vườn hay trên núi đá, chè vẫn sống hiên ngang. Cây chè như hiện thân cho sự cần cù lao động, vượt lên khó khăn của bà con người Mông trên mảnh đất đá cằn cỗi.
Trong dòng họ, ông A Chứ là đời thứ ba thừa kế cây chè và cùng thế hệ với ông hiện tại ở bản Hấu Chua có 39 người khác cũng được thừa kế cây chè như thế. Ông Chứ bảo: "Người Mông bản Hấu Chua quý cây chè lắm, trong những biến cố, thăng trầm của bản đều có sự hiện diện của cây chè. Chuyện cách đây lâu lắm rồi, dông bão kéo về bản Hấu Chua làm nhà cửa tan hoang, cây cối đổ sập như vừa xảy ra chiến trận. Sau trận dông bão ấy, cả bản chỉ còn mấy nóc nhà nguyên vẹn là nhờ có vườn chè chắn gió. Thế là sau khi thu dọn nhà cửa, chẳng ai bảo ai, người ta ra vườn đốn những cành chè bị gãy, vun lại từng gốc bị gió quật, cây chè được chăm sóc như người bị thương…”.
Chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa có búp to màu trắng xám, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng nên người dân gọi là chè tuyết. Vào mùa đông, những thân cây chè khẳng khiu, chống chọi lại cái lạnh, sương muối và băng giá. Nhưng khi mùa xuân đến, những cơn mưa xuân và nắng ấm đã tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho chè đâm chồi, nảy mầm mang đến một mùa bội thu.
Đánh thức tiềm năng
Với 8.400 cây chè cổ thụ, chiếm khoảng trên 30ha, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên được đánh giá là nơi còn mật độ cây tập trung lớn so với các tỉnh trong cả nước. Trong đó, riêng 4 xã phía Bắc: Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình và Tả Phìn đã có khoảng 7.200 cây. Ở Tủa Chùa hầu như nhà nào cũng có chè, nhà ít vài cây, nhà nhiều đến vài chục cây thậm chí có gia đình có đến cả trăm cây tạo nguồn kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Ông Hạng A Chứ chia sẻ: "Giống chè cổ thụ này, mỗi một lần thu, mỗi cây cho khoảng 16kg chè búp tươi. Sau khi sơ chế biến thu được 3kg chè khô. Nếu được chăm sóc tốt, vườn chè Shan tuyết cổ thụ mỗi năm có thể thu hái từ 4 đến 5 lần búp tươi, sản lượng có thể lên tới 1 tấn chè khô/năm. Với giá 300 nghìn đồng/kg chè khô, mỗi năm sau khi trừ chi phí nhân công thu hái, nhà tôi thu về trên 200 triệu đồng".
Mùa thu hái chè, các hộ dân trong vùng phải bắc thang, leo dây để thu hoạch. Từ chỗ không chăm sóc, vun bón nhưng được hướng dẫn, giờ đây các gia đình có chè đã tiến hành bón phân cho chè theo đúng quy trình kỹ thuật. Điều đặc biệt tạo thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa khác biệt với các loại chè cổ thụ nổi tiếng khác chính là việc người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu, kích thích chồi non phát triển.
Chè sau khi thu hái, sao khô, khi pha vẫn giữ được màu xanh tự nhiên, lúc đầu uống có vị chát đậm đà, sau lại có vị ngọt đượm. Đặc biệt, cây chè ở Tủa Chùa càng già thì càng cho nhiều búp có vị đanh, hương vị càng đậm đà. Đặc biệt, quyện trong hương trà có cả mùi thơm của cây cỏ núi rừng, pha chút đắng nhè nhẹ ví như cuộc sống của đồng bào Mông trên vùng đất gian khó Tủa Chùa.
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa khẳng định: Cây chè ngày càng mang lại lợi ích cho bà con trên địa bàn từ nhiều năm nay. Bên cạnh việc phối hợp, hướng dẫn kỹ thật, tuyên truyền vận động người dân chăm sóc bảo vệ, thu hái và trồng mới thêm chè cây cao để phát triển kinh tế, đưa cây chè thành cây nông nghiệp mũi nhọn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chú trọng xây dựng thương hiệu chè shan tuyết Tủa Chùa với các sản phẩm đặc trưng, đạt chuẩn OCOP như: Trà xanh Shan tuyết Sính Phình; Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa; Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa…
Bằng quyết tâm của chính quyền và đồng bào Mông trên đất Tủa Chùa, tin rằng hương chè Shan tuyết sẽ còn vươn xa; không chỉ bằng khai thác giá trị của cây chè cổ thụ qua việc sản xuất, chế biến và bán sản phẩm chè, mà còn hướng đến khai thác tiềm năng du lịch từ hoạt động trải nghiệm, khám phá vùng chè cổ thụ, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông nơi đây.
Sự kiện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam mới công nhận quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa là Cây di sản Việt Nam đã mở ra điều kiện lý tưởng cho địa phương phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, nâng tầm giá trị và thương hiệu cho cây chè nơi đây.