Cây chè Shan tuyết xã Hồng Thái thường trồng ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu trong lành. Chè Shan tuyết có búp to, dưới lá chè có phủ 1 lớp lông tơ mịn màu trắng xám nên người dân gọi là chè tuyết hoặc chè Shan tuyết. Xã Hồng Thái có 7 thôn, 316 hộ và hơn 1.600 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 2 HTX đang hoạt động với ngành nghề chính là sản xuất rau an toàn của HTX Tân Hợp và thu mua chế biến chè của HTX Sơn Trà.
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay thành lập HTX Sơn Trà (năm 2014), ông Đặng Ngọc Phố chia sẻ: “Khoảng thời gian năm 2014-2017 là thời điểm khó khăn nhất đối với tôi, chè làm ra không đạt chất lượng, cho không ai nhận, bán chẳng ai mua, nhưng tôi vẫn vay mượn tiền để sản xuất cầm cự. Tôi muốn làm ra sản phẩm chè sạch 100% từ cây chè tại địa phương và tôi tin sẽ làm ra loại chè chất lượng được mọi người đón nhận”.
Đặt ra mục tiêu, ông Phố không ngại tìm đến các cơ sở chè lâu năm tại Thái Nguyên, Hà Nội để học hỏi, mời những chuyên gia từ Hiệp hội chè về HTX để đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn bà con Nhân dân cách trồng, chăm sóc cây chè, thu hoạch chè sao cho đúng để cây chè luôn đạt sản lượng cao nhất. Mỗi lần chuyên gia đến giảng dạy, ông lại đúc rút thêm những kinh nghiệm quý báu.
Nắm được những kỹ thuật từ thu hái, phơi chè, chế biến, ông Phố nhập máy móc từ Đài Loan về với mục đích kiểm soát tốt nhiệt độ, thời gian, để cho ra sản phẩm chè chất lượng tốt nhất. “Mỗi mẻ chè thu hoạch tôi đều kiểm tra kỹ từng búp, thành phẩm làm ra đều phải do chính tay tôi pha uống thử, nước chè phải có màu xanh, hương vị thơm của lá, mà không được pha bất kỳ hợp chất nào tôi mới dám đưa ra thị trường. Làm nghề này như làm dâu trăm họ, mình có ưng thì mọi người mới thuận và quay lại với mình”, ông Phố tâm sự.
Sau khi có được những sản phẩm như mong muốn, ông Phố gửi sản phẩm đến bạn bè, bà con để dùng thử, đánh giá và góp ý. Mỗi lần bán ra ông đều chờ khách hàng dùng thử và đợi phản hồi từ khách. Khách mua mà không quay lại ông đều suy nghĩ nguyên nhân, ông tìm cách hỏi thăm khách hàng để nhận được những lời đánh giá, nhận xét, góp ý… với mong muốn sẽ tạo ra sản phẩm tốt nhất. Khi chè “sạch” được mọi người nhiệt tình ủng hộ, ông nhờ chính quyền huyện hỗ trợ về thiết kế mẫu mã sản phẩm, kiểm định chất lượng để đưa ra thị trường.
Đến nay chè Shan tuyết đã trở thành đặc sản nổi tiếng tại địa phương và được trưng bày tại gian hàng của Nhà khách huyện Na Hang nhằm mục đích giới thiệu đến đông đảo người dân và khách du lịch.
Ông Lê Hữu Thể, Chánh Văn phòng UBND huyện Na Hang tự hào cho biết: Điều đặc biệt làm ra sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà là “ba không”, cây chè của địa phương được thiên nhiên ưu ái không có sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không pha chế, ướp hương liệu và không bón phân hữu cơ.
Hiện diện tích vùng nguyên liệu chè của HTX Sơn Trà tại xã Hồng Thái là 64ha, gồm 20 thành viên, năm 2018 HTX bán ra thị trường hơn 6 tấn chè thành phẩm với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu 500 nghìn đồng/kg tùy từng loại, thu nhập của HTX năm 2018 đạt gần 400 triệu đồng. Tính đến hết tháng 5/2019, HTX đã thu hoạch gần 10 tấn chè tươi và theo kế hoạch đề ra đến hết năm 2019 sẽ bán ra thị trường 10 tấn chè thành phẩm.
Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái còn được Tập đoàn VinGroup quan tâm và đưa vào hệ thống siêu thị Vinmark trong thời gian tới khi HTX hoàn thành đăng ký mã vạch cho sản phẩm. Từ loại chè “cho không ai lấy”, nhờ quyết tâm tạo ra thương hiệu chè sạch của Giám đốc người Dao Đặng Ngọc Phố, cây chè địa phương đã trở thành đặc sản nổi tiếng, tự hào của người Hồng Thái, Na Hang, trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực giúp bà con Nhân dân thoát nghèo.
Điều đặc biệt làm ra sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà là “ba không”, cây chè của địa phương được thiên nhiên ưu ái không có sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không pha chế, ướp hương liệu và không bón phân hữu cơ. (Ông Lê Hữu Thể, Chánh Văn phòng UBND huyện Na Hang)
NGHĨA HIỆP