Làng của những nài voi sẽ chỉ còn là huyền thoại
Làng của gru chính là làng của những nài voi - người chuyên thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà ở huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Rẫy nương của các hậu duệ gru huyền thoại cũng nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn. Mặc dù mùa mưa cây cỏ xanh tốt, là nguồn thức ăn dồi dào cho loài voi hoang dã nhưng vào mùa khô, thức ăn dần trở nên khan hiếm, đàn voi rừng tìm đến các nương rẫy của người dân ở các xã biên giới như xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và xã Cư M’lan, Ea Bung, Ia R’vê, Ya Lốp (huyện Ea Súp)… để kiếm thức ăn. Tại các huyện kể trên, mỗi năm từng đàn voi rừng từ 3 đến 7 con, có khi là chục con về phá rẫy từ 3 đến 5 lần có năm tới 10 lần.
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Tây Nguyên từ năm 2016 đến tháng 3/2020, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 116 ha hoa màu, như chuối, khoai, mì, điều, cao su… bị thiệt hại nặng nề do voi gây ra. Bên cạnh đó, các chòi rẫy, nhà ở và các trang thiết bị, vật tư sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây cũng bị voi rừng phá mỗi khi kéo đến. Tuy nhiên, để bảo tồn đàn voi người dân vẫn thực hiện nghiêm lệnh cấm săn bắt voi. Thực tế này đặt ra bài toán phải giải quyết xung đột giữa voi và lợi ích kinh tế của bà con.
Mô hình “trồng cây voi không ưa thích”
Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Cao Thị Lý, Khoa Nông Lâm Trường Đại học Tây Nguyên cùng cộng sự đã nghiên cứu thực hiện mô hình “trồng cây voi không ưa thích” để người dân nơi đây vừa bảo vệ voi rừng vừa nâng cao thu nhập.
Trước đây, làng của các gru nổi tiếng nhờ nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà, thì nay việc tránh xung đột giữa voi và người được đồng bào ưu tiên hàng đầu. Mô hình đã chỉ ra được các chính sách hỗ trợ, các giải pháp phòng ngừa, xác định các loại cây trồng thay thế nhằm hạn chế thiệt hại do voi gây ra, mà vẫn góp phần mang lại thu nhập cho cuộc sống của người dân địa phương.
Người đi đầu trong phong trào “trồng cây voi không ưa thích” lại chính là một gru săn bắt và thuần dưỡng voi có tiếng, ông Y Chuôn K’brông (buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Từ tháng 6/2018, gia đình ông đã trồng hơn 1ha cây hoa màu ngắn ngày, trồng xen cây tếch, cây me chua, táo. Từ khi chuyển đổi cây trồng đến nay, đàn voi có về rồi tự di chuyển vào rừng sâu. Sau 2 năm kết hợp trồng xen canh, các gru không còn phải tìm cách để voi không phá hoại mùa rẫy.
Đồng bào còn có thêm thu nhập từ việc trồng các loài cây ngắn ngày thuộc danh mục voi không ưa thích (như quả cà ri có mùi hương nên voi không thích; lá cây me có vị chua cũng không phải là khẩu vị của voi; bưởi da xanh có nhiều tinh dầu; còn táo xanh lại có gai). Đơn cử như hộ ông Ama Tuyên (hộ dân có đất trong khu vực voi thường xuyên xuất hiện) đã thu được hơn 2 tạ hạt từ cây hoa màu với giá bán cao gấp nhiều lần so với mỳ, bắp bán cùng thời điểm năm 2020.
Khi chuyển đổi các loại cây trồng, các gru chỉ cần dùng đèn pha và tiếng lục lạc, là voi đã đi. Mô hình cây trồng cây voi không ưa thích này đang giúp người dân yên tâm canh tác trên diện tích rẫy, vừa bảo vệ rừng, vừa bảo vệ động vật hoang dã.
Mô hình “trồng cây voi không ưa thích” do Tiến sĩ Cao Thị Lý nghiên cứu và thực hiện đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vinh danh là 1 trong 7 cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020.
Mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có quyết định không sử dụng voi nhà làm dịch vụ, thay vào đó là các hoạt động thân thiện với voi. Từ đây, hậu thế của những gru nổi tiếng cũng sẽ không để khách cưỡi trên lưng voi, mà bên những con voi già, người ta kể cho khách nghe những điều thú vị về chuyện voi với người.