Thỏa thuận hợp tác hướng đến mục tiêu chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội, góp phần bảo toàn đàn voi nhà hiện có của tỉnh Đắk Lắk.
Đắk Lắk thỏa thuận sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà gồm: Du lịch cưỡi voi, các hội thi như voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.
Tỉnh tạo điều kiện cho Tổ chức Động vật châu Á tổ chức các hoạt động theo đúng quy định pháp luật, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á, đơn vị, tổ chức có liên quan, hộ gia đình nuôi voi để xây dựng và hoàn thiện phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Tổ chức Động vật châu Á có trách nhiệm vận động nguồn lực hợp pháp nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mang lại phúc lợi cho voi và các hộ dân mưu sinh nhờ nguồn thu từ du lịch cưỡi voi bằng mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi.Tổ chức Động vật Châu Á tiếp tục hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn voi 231.000 USD để thực hiện công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026.
Theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, quần thể voi tại Đắk Lắk còn không quá 140 cá thể (khoảng 100 cá thể voi hoang dã và 37 cá thể voi nhà), giảm 90% số lượng voi so với năm 1980. Các cá thể voi nhà hầu hết đã lớn tuổi sinh sản, gây khó khăn cho công tác bảo tồn.