Được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Khuyến nông xã, năm 2024, gia đình anh Lò Láo Tả ở thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng hơn 100 gốc cây chanh leo.
Anh Tả cho biết, tuy là giống cây trồng mới với bà con vùng cao; tuy nhiên, cây chanh leo cũng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật cũng như công chăm sóc. Nhờ tuân thủ đúng theo hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông xã, vườn chanh leo của gia đình anh Tả phát triển khá tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Vì là vụ đầu tiên nên gia đình anh Tả không đặt kỳ vọng về năng suất, thu nhập từ loại cây trồng này. Tuy nhiên, về lâu dài anh rất hy vọng vào hiệu quả kinh tế của cây chanh leo trong thời gian tới.
"Khi triển khai trồng cây chanh leo gia đình mình được hỗ trợ về giống, phân bón, dây làm giàn; trong quá trình trồng thì cán bộ về hướng dẫn tỷ mỷ kỹ thuật trồng, chăm sóc nên gia đình rất phấn khởi. Tuy mới trồng được mấy tháng nhưng cây đã cho quả, vụ đầu tiên mỗi cây cũng cho vài chục quả rồi”, anh Tả cho biết thêm.
Triển khai “Mô hình trồng cây ăn quả” thuộc nội dung số 1 thuộc Tiểu dự án 2 ( Dự án 3) Chương trình MTQG 1719; xã Trịnh Tường lựa chọn thôn Phìn Ngan để đưa cây chanh leo vào trồng với diện tích 06ha; tổng kinh phí triển khai Dự án là trên 1 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 500 triệu đồng còn lại là người dân đóng góp. Các hộ dân tham gia dự án đều là DTTS, hộ nghèo và cận nghèo của xã.
Để được tham gia Dự án, các hộ phải có diện tích đất tập trung ít nhất từ 0,1ha trở lên; viết đơn tự nguyện tham gia và ký cam kết tuân thủ các điều kiện khi tham gia dự án bằng văn bản và được chính quyền địa phương xác nhận…
Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: Với xã nghèo như Trịnh Tường, thì nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 có vai trò rất quan trọng trong việc củng cố cơ sở hạ tầng nông thôn; cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con Nhân dân. Riêng đối với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã Trịnh Tường lựa chọn đưa cây chanh leo (06ha), cây mận Tam hoa (14ha) và cây măng sặt (08ha) vào trồng với tổng nguồn vốn gần 4 tỷ đồng.
"Đây là những cây trồng có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ canh tác của bà con trong xã. Để việc sản xuất của bà con đạt hiệu quả như mong muốn, chúng tôi đã đề nghị các đơn vị doanh nghiệp ký cam kết hỗ trợ về giống, kỹ thuật… và đặc biệt là ký cam kết với các hộ dân về bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch”, ông Lực nhấn mạnh.
Thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, đến nay xã Trịnh Tường mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí; một trong những tiêu chí chưa đạt và đang gặp rất nhiều khó khăn, đó là thu nhập. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã đang kỳ vọng nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 về hỗ trợ sản xuất sẽ góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho bà con thông qua việc đưa những giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi.