Trước đây, với người dân thôn Nậm Đó, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, cây chè chỉ là cây trồng phụ với diện tích rất khiêm tốn. Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện Mường Khương lựa chọn cây chè là một trong các cây trồng chủ lực với khẩu hiệu “Ở đâu có cây chè, ở đó có hạnh phúc”. Phong trào trồng chè đã lan tỏa rộng khắp các xã, thôn bản vùng cao. Chủ tịch xã Lùng Khấu Nhin Đặng Công Huân cho biết: Từ một vài hộ trồng nhỏ lẻ, đến nay Nậm Đó đã có 71/72 hộ tham gia trồng chè; để có được kết quả này, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong đó có Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ bà con trồng chè với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/ha.
“Thực tế cho thấy, cây chè cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây ngô, cây lúa truyền thống. Đến thời điểm này, Lùng Khấu Nhin đã có 403,5ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 200ha, năng suất đạt 80 tạ/ha, sản lượng 1.614 tấn/năm. Tổng số hộ tham gia trồng chè là 484/684 hộ, chiếm 70,76% tổng số hộ của xã. Riêng trong năm 2023, toàn xã trồng mới được gần 60ha chè hàng hóa”, ông Huân thông tin thêm.
Hết năm 2023, từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh Lào Cai đã thực hiện 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị với gần 5.000 hộ tham gia; 29 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với hơn 1.500 hộ tham gia. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.
Với đặc thù khí hậu và thổ nhưỡng, huyện Si Ma Cai lựa chọn phát triển cây dược liệu để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Từ một địa phương với cây ngô, lúa là cây trồng chủ lực thì đến nay những cây dược liệu như đương quy, cát cánh, đẳng sâm, bạch truật… đã trở thành cây trồng quen thuộc đối với đồng bào DTTS nơi đây. Trong đó, bạch truật là cây trồng có giá trị kinh tế cao được Si Ma Cai mạnh dạn đưa vào gieo trồng với nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 gần 50 triệu đồng/ha. Ông Thền Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện Si Ma Cai có hàng trăm ha cây dược liệu; qua đánh giá cho thấy, tuy đòi hỏi kỹ thuật canh tác có khắt khe hơn so với các loại cây trồng khác nhưng bù lại giá trị của loại cây trồng này lại rất cao.
“Để tập trung xóa nghèo nhanh và bền vững, huyện Si Ma Cai đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây, con có giá trị vào nuôi, trồng. Hàng trăm hộ dân đã được hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp trong quá trình triển khai trồng dược liệu theo nguồn Chương trình MTQG 1719”, ông Hùng cho biết thêm.
Qua 2 năm triển khai Nghị quyết 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh đạt trên 5%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa năm 2023 đạt 4.560 tỷ đồng, tăng 360 tỷ đồng so với năm 2022… Có được kết quả này, cùng với chính sách riêng của tỉnh thì nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng cao. Cụ thể, hết năm 2023, từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh Lào Cai đã thực hiện 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị với gần 5.000 hộ tham gia; 29 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với hơn 1.500 hộ tham gia. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.