Nhiều kết quả tích cực
Để các chính sách dân tộc của Ðảng, Nhà nước phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống thì vai trò và sự đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc là không hề nhỏ. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc mặc dù đã đạt chuẩn theo quy định nhưng vẫn còn những hạn chế, chưa được đào tạo bài bản về kiến thức dân tộc.
Từ thực tế đó, Ðề án "Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 (gọi tắt là Đề án 771).Theo đó, nội dung đề án tập trung vào việc bồi dưỡng các chuyên đề về kiến thức, văn hóa, tiếng nói, chữ viết DTTS và chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc thuộc 4 nhóm đối tượng.
Trong 2 năm 2019-2020, UBDT đã tổ chức 8 cuộc hội thảo; thành lập 6 tổ biên soạn chương trình, tài liệu cho nhóm đối tượng 3, 4. Tham gia biên soạn gồm 60 nhà khoa học trong và ngoài UBDT; Tổ chức 94 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho các cán bộ thuộc nhóm đối tượng 3 và 4 tại các địa phương với 2.735 học viên tham gia.
Sau gần 3 năm triển khai Đề án 771 bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai Đề án.
Theo báo cáo của Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc), trong 2 năm (2019 - 2020) triển khai Đề án 771, Học viện đã tổ chức 54 lớp tập huấn cho giảng viên, báo cáo viên thuộc các Bộ, ngành, địa phương tại 49 tỉnh thành phố. Kết quả, 1.255 học viên đã hoàn thành các nội dung, yêu cầu của khóa tập huấn.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, Đề án 771 đã được tích hợp vào Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là cơ sở quan trọng, nhất là đảm bảo về kinh phí thực hiện Đề án.
Tại Hội thảo đánh giá kết quả 03 năm (2018 - 2020) thực hiện Đề án 771 được tổ chức vào trung tuần tháng 11 vừa qua tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBND) Lê Sơn Hải đã nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chính phủ triển khai một đề án bài bản, mang tính đột phá về việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc, do đó rất cần sự chung sức đồng lòng của mọi người. Bước đầu triển khai đã có những thuận lợi và đạt kết quả đáng kể”.
Còn nhiều việc phải làm
Theo Báo cáo đánh giá 3 năm triển khai Đề án 771 của UBDT, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, cũng cần phải hoàn thiện, và tháo gỡ một số vướng mắc. Cụ thể như, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Đề án để thống nhất thực hiện trong cả nước. Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần sớm ban hành Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Quyết định số 771/QĐ-TTg cũng như Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng tiếng DTTS...
Một vướng mắc khác cũng cần sớm được tháo gỡ, đó là việc xây dựng, chương trình tài liệu tập huấn. Cũng theo báo cáo của UBDT, hiện tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 1 và 2 vẫn chưa được biên soạn hoàn chỉnh; chưa rà soát đánh giá được các chương trình, tài liệu bồi dưỡng tiếng DTTS hiện hành và chưa đề xuất được việc biên soạn các chương trình, tài liệu tiếng DTTS còn thiếu.
Theo bà H’Yâo Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk, địa phương là nơi đã và đang bồi dưỡng tiếng dân tộc và kiến thức dân tộc cho cán bộ thường xuyên. Tuy nhiên, để Đề án 771 mang lại hiệu quả như mong muốn cần phải có các chương trình, kế hoạch, giáo trình đào tạo bài bản và mang cả tính thực tiễn.
'Kết quả của việc đào tạo tiếng dân tộc là giao tiếp và ít nhất là giao tiếp cơ bản, chứ nếu chỉ học để lấy bằng, lấy chứng chỉ thì phí phạm”, bà H’Yâo Knul nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, ông Triệu Quang Lợi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau góp ý thêm: Hiện nay, nhận thức về tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc của các cấp, ngành, của cán bộ, công chức, viên chức còn chưa thật sự đầy đủ, chưa coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong quá trình công tác. Do đó, cần phải có chế tài quy định cụ thể thì mới đạt được hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các địa phương cho rằng, để Đề án 771 đạt hiệu quả trong thực tiễn, thì cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, quản lý. Đồng thời, phải có năng lực, phương pháp sư phạm; am hiểu về kiến thức dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và tiếng DTTS phục vụ cho công tác bồi dưỡng, đào tạo.