Nhiều cách tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS
Trường mẫu giáo Cư Pui, xã Cư Pui, huyện Krông Bông có khoảng 90% học sinh DTTS, chủ yếu dân tộc Mông. Trước khi đến trường, trẻ giao tiếp với mọi người bằng tiếng mẹ đẻ nên gần như không biết tiếng Việt.
Để trẻ tiếp thu bài tốt hơn và hoà nhập với bạn bè khi vào lớp 1, Trường Mẫu giáo Cư Pui đã có sáng kiến dán tên gọi và số đếm phù hợp lên các thiết bị đồ chơi, bức tranh, cây cảnh; tổ chức các hoạt động hát, kể chuyện bằng tiếng Việt; hướng dẫn cha mẹ đọc sách cùng các con… cho trẻ tiếp xúc tiếng Việt thường xuyên hơn, nhận biết chữ, phát âm tiếng Việt ở mọi nơi.
Ngoài việc tạo điều kiện cho các em tiếp xúc tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi, các giáo viên của nhà trường còn nâng cao trình độ giảng dạy, phát âm chuẩn và chủ động tự học tiếng dân tộc thiểu số từ các đồng nghiệp và người dân để thuận tiện trong giao tiếp với học sinh.
Tương tự, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn có gần 100% học sinh dân tộc Ê Đê, nên việc nâng cao tiếng Việt cho học sinh luôn được trường đặt lên hàng đầu. Bởi các em không rành tiếng Việt thì chất lượng giáo dục cũng không cao. Nhà trường đã tăng thời lượng dạy môn tiếng Việt lớp 1, kết hợp dạy kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt cho học sinh qua bộ sách “Em nói tiếng Việt” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát hành; hướng dẫn cha mẹ học sinh người DTTS phương pháp giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt tại gia đình, giúp trẻ có thêm thời gian, cơ hội được nói tiếng Việt; thường xuyên theo dõi, lắng nghe phát âm của học sinh để phát hiện những lỗi sai và trực tiếp hướng dẫn các em cách phân biệt, sửa lỗi.
Cô Phan Thị Mỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đánh giá, những năm gần đây, khả năng sử dụng tiếng Việt của học sinh nhà trường cải thiện rõ rệt với tỷ lệ học sinh hoàn thành môn tiếng Việt đạt 97%. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường cũng được nâng lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt từ 96,5% trở lên; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%.
Theo báo cáo Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn, đến nay 100% học sinh mầm non và tiểu học người DTTS trên địa bàn huyện được tăng cường tiếng Việt phù hợp độ tuổi. Nhờ đó mà hiện nay, phần lớn học sinh DTTS đều đã mạnh dạn, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt; trẻ mầm non yêu thích đến trường và sẵn sàng tâm thế để lên lớp 1.
Chất lượng giáo dục vùng DTTS chuyển biến tích cực
Hiện nay, toàn tỉnh Đăk Lăk có 1.026 trường từ mầm non đến trung học phổ thông, với 469.969 học sinh, trong đó có 166.354 học sinh dân tộc thiểu số, trẻ mầm non chiếm 35%, học sinh tiểu học chiếm 40%.
Để Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS đạt hiệu quả, ngành Giáo dục tỉnh Đăk Lăk đã triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm về cơ sở vật chất, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng, phương pháp tổ chức dạy học tiếng Việt, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương để giao tiếp, giáo dục học sinh DTTS bậc mầm non. Cụ thể, đối với cấp tiểu học học 1 buổi/ngày, dạy tăng thời lượng tiếng Việt 2,4 tiết/tuần từ lớp 1 đến lớp 5; tăng cường tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục…
Ngoài việc sử dụng tài liệu của Bộ GD&ĐT biên soạn, Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Lăk còn biên soạn và triển khai tài liệu bài tập bổ trợ môn tiếng Việt lớp 1,2,3; tổ chức dạy học tiếng Ê Đê tại 97 trường tiểu học; tổ chức “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh DTTS định kỳ 2 năm một lần với hình thức phong phú. Đến nay, tất cả các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện đều tổ chức “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” định kỳ 2 năm/lần.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục môn tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số tăng lên hằng năm, đạt mục tiêu đề ra. Năm học 2019 - 2020, có 97% học sinh DTTS cấp tiểu học hoàn thành chương trình môn tiếng Việt; tỷ lệ học sinh DTTS được học 2 buổi/ngày tăng lên gần 84% và trẻ em DTTS vào lớp 1 đúng độ tuổi (6 tuổi) đạt 99,8%.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Lăk đánh giá: Việc tăng cường tiếng Việt phù hợp từng độ tuổi, giúp học sinh DTTS nhận biết và phát âm đúng chữ cái, sử dụng tiếng Việt thành thạo, mạnh dạn trong giao tiếp. Đây chính là tiền đề quan trọng để Sở GD&ĐT nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục vùng DTTS. Trong thời gian tới, ngành giáo dục Đăk Lăk tiếp tục quan tâm đến việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS với những biện pháp hiệu quả hơn nữa.