PV: Việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện trong thời gian qua, đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Nông Văn Tài, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội – Dân tộc: Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG 1719 đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Nổi bật trên các lĩnh vực như, Chương trình đã góp phần thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên; cơ sở vật chất của trường lớp học, trạm y tế được quan tâm đầu tư, công tác chăm sóc y tế, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân tiếp tục được hỗ trợ cải thiện.
Tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, Chương trình tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao… Ngoài ra, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế, tạo động lực vươn lên cho đồng bào DTTS và miền núi.
Công tác lồng ghép, huy động các nguồn lực trong triển khai thực hiện Chương trình đã tạo động lực và huy động toàn bộ nguồn lực xã hội cho quá trình phát triển, triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận cao trong người dân. Đời sống người DTTS và miền núi đang từng bước đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phụ vụ sản xuất, đời sống được ưu tiên đầu tư tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Công tác giáo dục có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế phát triển. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch…
PV: Theo ông, quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719 huyện Chi Lăng đã và đang đối diện với những khó khăn, thách thức nào?
Nhu cầu nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn lớn, trong khi đó nguồn vốn phân bổ hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư trên địa bàn huyện.
Nguồn thu ngân sách huyện còn hạn chế, chủ yếu thu từ tiền đất, thuế thu nhập cá nhân, phí, lệ phí, thuế tài nguyên môi trường… nên việc cân đối, bố trí vốn đối ứng thực hiện Chương trình MTQG 1719 gặp khó khăn.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG, mãi đến giữa năm 2024 mới được giao chi tiết tại kế hoạch vốn theo giai đoạn 2021-2025, nên việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình, dự án trên địa bàn huyện gặp khó khăn do đặc thù các mô hình, dự án phụ thuộc vào thời vụ, thời tiết...; có dự án giao cho UBND các xã triển khai thực hiện chậm, còn lúng túng trong triển khai thực hiện các mô hình, dự án, cán bộ, công chức cấp xã chưa chủ động nghiên cứu các văn bản hướng dẫn đến tiến độ giải ngân thanh toán vốn đạt tỷ lệ thấp.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 dự án 3: Vốn được phân bổ triển khai thực hiện dự án bảo vệ rừng dựa trên số liệu diện tích rừng tự nhiên hiện có, bao gồm các diện tích rừng tự nhiên nhỏ, lẻ, diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên không nhận được sự đồng thuận tham gia dự án từ người dân. Vì vậy, trong quá trình thực hiện khoanh vẽ, lập hồ sơ dự án khó khăn trong việc lập hồ sơ dự án và đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn giao.
Công tác triển khai thực hiện Dự án còn gặp nhiều khó khăn do chương trình phức tạp, phải qua nhiều khâu thẩm định; đấu thầu, địa hình của xã phức tạp nên mất nhiều thời gian cho công tác xác minh diện tích bảo vệ rừng, và công tác trồng rừng.
UBND các xã, thị trấn và cộng đồng dân cư chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất, lựa chọn các dự án, mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất.
Nguyên nhân do nhận thức về trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo ở một số cơ sở chưa thực sự chủ động, chưa sâu sát, quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo; bên cạnh đó còn một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của mình, còn trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết tâm vươn lên vượt thoát nghèo.
PV: Với những khó khăn, vướng mắc đã được chỉ rõ, Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, huyện đã rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình trong thời gian tới?
Chương trình MTQG 1719 là chương trình triển khai lâu dài, do đó cần thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích. Cấp uỷ, chính quyền cần phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình; phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Vai trò của người dân, đặc biệt là người nghèo là nhân tố quyết định đến sự bền vững đến hiệu quả của chương trình. Vì vậy, phải khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Các chính sách hỗ trợ phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn. Những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế. Chính sách hỗ trợ cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo DTTS, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Nguồn lực Nhà nước đóng vai trò quyết định, cần được ưu tiên và bố trí kịp thời để thực hiện chương trình, ưu tiên cho các địa bàn nghèo (xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn); đồng thời có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả; chuyển dần từ hình thức hỗ trợ cho không sang hình thức hỗ trợ có điều kiện hoặc có thu hồi để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ cho không của Nhà nước.
Trên cơ sở Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn để tổ chức thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo. Thực tế cho thấy nơi nào, địa phương nào cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo, có sự phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị ở địa phương, thực hiện phân cấp, mở rộng sự tham gia của người dân, thì nơi đó chỉ tiêu giảm nghèo đạt hiệu quả cao và ngược lại.
Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình cần được tổ chức thường xuyên, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách. Thông qua đó để hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Thường xuyên tổ chức các hình thức truyền thông đa dạng, phù hợp để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người nghèo. Phát hiện, phổ biến các mô hình, điển hình có hiệu quả để nhân rộng, phê phán các hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo.
Trân trọng cảm ơn ông!