Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) với Chương trình MTQG 1719: Mở lối thoát nghèo từ những con đường (Bài 4)

Văn Hoa - 10:30, 25/11/2024

Những năm gần đây, từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã được đầu tư xây dựng. Đường lớn đã mở, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt, mở lối cho đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững.

Đường lớn đã mở

Trước kia, hơn 250 hộ đồng bào Tày, Nùng ở 3 thôn Kéo Phầy, Pá Tào, Lũng Đẩy xã Bằng Hữu chủ yếu đi trên con đường mòn nhỏ, đường đất lầy lội nên cuộc sống khó khăn vô cùng. Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu Hoàng Văn Trung bộc bạch, nói là đường nhưng chưa thành đường, vì chỉ là lối đi bộ nhỏ khiến việc đi lại, giao thương cũng hạn chế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.

Hệ thống đường giao thông nông thôn ở xã Bằng Hữu tiếp tục được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở xã Bằng Hữu tiếp tục được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh

Nhưng khi tuyến đường giao thông với chiều dài hơn 0,8km được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng, đã mở ra cơ hội mới cho đồng bào nơi đây.

Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu Hoàng Văn Trung bày tỏ, khi có chủ trương làm đường giao thông, bà con đều phấn khởi, đồng thuận. Do vậy, từ nguồn vốn được đầu tư, UBND xã đã chủ trương mở rộng và kéo dài hơn 4km từ nguồn vận động Nhân dân và xã hội hóa. 

Theo đó, toàn bộ đất làm đường đều do Nhân dân hiến, cứ làm đường đến đâu Nhân dân hiến đất đến đó, với tổng diện tích hơn 12 nghìn mét vuông; Nhân dân thống nhất đóng góp mỗi hộ hơn 2,5 triệu đồng cùng với đơn vị thi công giải phóng, san lấp mặt bằng.

Đến nay, con đường rộng 5m, phần bê tông rộng 3m, độ dài toàn tuyến hơn 6km đã hoàn thành, giúp người dân thoát khỏi thế bế tắc, tạo điều kiện cho bà con DTTS đi lại, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng mục tiêu của Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, tuyến giao thông này cũng góp phần chỉnh trang nông thôn miền núi, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở xã miền núi Bằng Hữu.

Những con đường mới là kết tinh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719
Những con đường mới là kết tinh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân dưới sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt gần đây nhất là từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719

Ông Trần Văn Đội, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pá Tào cho biết, thôn có 69 hộ dân, chủ yếu là người Nùng. Khi có chủ trường mở rộng và kéo dài con đường, Nhân dân rất phấn khởi và đều đồng tình ủng hộ. Từ con đường ban đầu chỉ rộng chừng 1 mét cho người đi bộ, người dân đã hiến toàn bộ phần đất và san lấp mặt bằng để biến thành con đường rộng 5 mét, phần bê tông 3 mét. Đến nay, con đường mới đã hoàn thành, giúp người dân đi lại thuận tiện, mở lối cho người dân phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa…

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Ông Nông Văn Tài, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội- Dân tộc huyện Chi Lăng cho biết, từ nguồn vốn đầu tư Chương trình MTQG 1719 (vốn đầu tư), huyện Chi Lăng đầu tư 15 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, với tổng số tiền trên 30.800 triệu đồng và tổng chiều dài 19,34km. Đến thời điểm này, đã hoàn thành 13 công trình và đưa vào sử dụng với chiều dài 15,54km, gồm: Đường Nà Pò - Kéo Phầy, xã Bằng Hữu; đường Bản Lăm - Thiên Cần, xã Liên Sơn; đường Suối Phầy, xã Hữu Kiên...

Khởi công xây dựng tuyến Nà Tình - Nà Pồ, xã Chiến Thắng. Con đường dài 0,5km với tổng mức đầu tư là 1 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG 1719
Khởi công xây dựng tuyến Nà Tình - Nà Pồ, xã Chiến Thắng. Con đường dài 0,5km với tổng mức đầu tư là 1 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG 1719

Vốn sự nghiệp thực hiện duy tu, bảo dưỡng 2 công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Bằng Hữu và đường vào thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, hơn 01km với tổng kinh phí là 832 triệu đồng.

Để hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, huyện Chi Lăng đã chú trọng triển khai theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp, tổ chức chung tay và Nhân dân đối ứng thực hiện. Kết quả, giai đoạn 2021-2024, thực hiện Đề án Xây dựng cầu, ngầm tràn dân sinh, Chi Lăng đã cứng hóa, xây dựng mới 24 cầu, ngầm dân sinh bằng bê tông cốt thép.

Công trình cầu được đầu tư xây dựng theo cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện hỗ trợ 30% để xây dựng hoàn chỉnh cầu chính; nguồn xã hội hoá và Nhân dân đối ứng 40% kinh phí để thực hiện đường dẫn hai bên cầu.

Những con đường được đâu tư xây dựng đang mở lối thoát nghèo cho Nhân dân
Những con đường được đâu tư xây dựng đang mở lối thoát nghèo cho Nhân dân

Có thể nói, nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc; đặc biệt gần 4 năm qua thực hiện Chương trình MTQG 1719, đã tạo điều kiện lớn để giao thông nông thôn huyện Chi Lăng được đầu tư đồng bộ. Nhờ đó hiện nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 98,5%.


Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.