Thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG
Tỉnh Phú Yên có 3 huyện miền núi là: Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân - là nơi tập trung sinh sống của nhiều đồng bào DTTS. Những năm qua, các địa phương này tích cực thực hiện 3 Chương trình MTQG là: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, đã góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Tại huyện Đồng Xuân, giai đoạn 2019 - 2024, các chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng lớn như: mía, sắn, keo… Kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Chị Ka Pá Thị Ẩn (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) cho biết, gia đình chị trước đây thuộc diện hộ nghèo, nuôi hai con nhỏ, không có chỗ ở ổn định. Được chính quyền địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng, chị đã vay mượn thêm để xây dựng căn nhà mới, có chỗ ở ổn định. Ngoài ra, chị còn được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay vốn để mở rộng diện tích trồng sắn và chăn nuôi bò. Đến nay kinh tế gia đình chị đã phát triển bền vững, vươn lên thoát nghèo.
Ông Đặng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, trong 5 năm qua (2019 - 2024), huyện đã huy động trên 300 tỷ đồng từ nguồn vốn các Chương trình MTQG để thực hiện chính sách, dự án đối với đồng bào DTTS và miền núi. Huyện đã hỗ trợ hơn 4.000 lượt hộ đồng bào DTTS được vay vốn tín dụng chính sách xã hội, với trên 183 tỷ đồng. Từ đó, các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở ổn định, có điều kiện cho con em đi học.
Chỉ tính riêng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2024, huyện được phân bổ gần 8,8 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn này, các xã được hỗ trợ thực hiện 6 dự án, tiểu dự án với 380 đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trên 4%. Ngoài ra, địa phương tận dụng nhiều nguồn lực khác để hỗ trợ cho đồng bào DTTS vay vốn làm ăn, xây dựng nhà ở, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Huyện Sông Hinh cũng là nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Hiện nay, toàn huyện có 13.800 hộ dân với khoảng 52.000 người; trong đó, đồng bào DTTS có 6.000 hộ với gần 25.000 người, chiếm 47,9% dân số. UBND huyện đã triển khai nhiều dự án, thuộc các Chương trình MTQG giúp người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, từ năm 2022 - 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn là hơn 148 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện xây dựng gần 30 công trình đường giao thông, điện, rãnh thoát nước, sân vận động, thiết chế văn hóa; đầu tư 4 công trình cấp nước tập trung và nhiều dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là đồng bào DTTS.
Còn tại huyện miền núi Sơn Hòa, với nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2022-2024 được phân bổ trên 246 tỷ đồng, huyện đã giải ngân được hơn 108 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống điện, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở cho hàng trăm lượt hộ đồng bào DTTS, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên chia sẻ: Nhờ các nguồn lực từ các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi có những chuyển biến tích cực.
Bước đầu đã hình thành các vùng trồng cây nguyên liệu như mía, sắn, cao-su... gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến; mở rộng diện tích lúa nước, chăn nuôi bò đàn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, năng suất, chất lượng từng bước tăng lên. Kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Vẫn còn một số khó khăn cần được tháo gỡ
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, nhưng hiện nay, các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện một số tiêu chí trong giai đoạn 2021 - 2025 chưa phù hợp với điều kiện thực tế.
Việc huy động vốn đối ứng trong Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới rất khó thực hiện. Nguồn vốn phân bổ cho địa phương theo nhiều đợt nên địa phương khó lồng ghép. Các xã lúng túng trong việc lựa chọn danh mục công trình thực hiện...
Từ năm 2021 đến nay, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững khó thực hiện vì thiên tai, dịch bệnh, nhiều chỉ tiêu khó đạt, nguồn kinh phí phân bổ chậm. UBND tỉnh Phú Yên và các sở, ngành cũng chưa có quy định rõ về mức thu hồi, cơ chế quay vòng vốn và mức hỗ trợ cụ thể cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các dự án đa dạng sinh kế, dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với Chương trình MTQG 1719, một số dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp triển khai rất chậm. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí nguồn vốn ở một số tiểu dự án chưa được ban hành quy định cụ thể. UBND tỉnh chưa ban hành mức hỗ trợ người quản lý tài sản, duy trì, vận hành, khai thác, bảo trì các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin nên khó thực hiện giải ngân nguồn vốn.
Những khó khăn từ nguyên nhân khách quan và chủ quan trên, cũng đã và đang được tỉnh Phú Yên tháo gỡ trong thời gian tới để việc thực hiện các Chương trình MTQG thông suốt, hiệu quả, giúp người dân thụ hưởng chính sách kịp thời.