Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Triển khai Chương trình MTQG 1719 - Cơ hội cho các HTX vùng DTTS và miền núi Quảng Ngãi phát triển

T.Nhân - 15:30, 13/06/2023

Từ thực tiễn kết quả sản xuất, kinh doanh của mô hình hợp tác xã (HTX) ở các huyện miền núi Quảng Ngãi đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với sự phát triển HTX hiện nay, là vốn đầu tư và quỹ đất xây dựng khu tập kết, chế xuất, bảo quản... Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã dành hơn 145 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) giúp các HTX phát triển.

Miền núi Quảng Ngãi với nhiều sản phẩm đặc trưng là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển
Miền núi Quảng Ngãi với nhiều sản phẩm đặc trưng là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển

Những tín hiệu lạc quan

Tính đến thời điểm hiện tại, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có 57 HTX. Trong đó, có 46 HTX đang hoạt động với gần 1.000 thành viên (người đồng bào DTTS chiếm khoảng 70%). Nhiều HTX đã khẳng định được vai trò và sự đóng góp của mình cho sự phát triển kinh tế ở địa phương như: HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây), HTX Thương mại dịch vụ xây dựng thảo nguyên Bùi Hui (Ba Tơ), HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ...

Theo ông Trần Văn Mẫn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, các HTX kiểu mới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất, với nhiều mô hình mới được nhân rộng. Một số sản phẩm của các HTX đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP như ớt xiêm, ổi, gạo lúa rẫy, măng nứa... 

Đặc biệt, sản phẩm của một số HTX đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 3 sao, như ớt xiêm rừng ngâm dấm, chuối hột rừng sấy khô... những sản phẩm này đã được thị trường trong, ngoài tỉnh chấp nhận và đánh giá cao. Minh chứng như những sản phẩm gà kiến Sơn Hà, cá niên Sơn Hà, các loại rau rừng... của HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà đã có mặt ở các chợ đầu mối, các siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Ông Phạm Đình Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà cho biết: Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã đẩy mạnh liên kết với các siêu thị, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, đăng ký thương hiệu, nhãn mác. Khi sản phẩm đã có thương hiệu thì việc tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn. Đến thời điểm này, tất cả những sản phẩm của HTX đều có đầu ra ổn định.

Còn tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, các loại đặc sản như bưởi da xanh, ổi nữ hoàng, mít thái cũng được thu mua, tiêu thụ ổn định. Thông qua HTX, người dân được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc cây ăn trái, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Anh Đinh Văn Quý, một thành viên của HTX cho hay: Tham gia vào HTX người dân có điều kiện phát triển sản xuất, phát triển nông sản. Trước kia, khi trồng cây ăn quả các hộ luôn nghĩ được thì ăn, mất thì chịu, còn bây giờ được hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc để cây cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng.

Hay như HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ, từ ngày thành lập (tháng 5/2019) đến nay, HTX là đầu mối tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp cho người dân, nhất là đồng bào DTTS, với những sản phẩm như: Gạo lúa rẫy, ớt xiêm, mật ong, rượu sim, thịt trâu gác bếp... đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên.

Gà kiến Sơn Hà đã trở thành “thương hiệu” được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng
Gà kiến Sơn Hà đã trở thành “thương hiệu” được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng

Vẫn còn nhiều trăn trở

Mặc dù số lượng HTX mới được thành lập ở miền núi tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nguồn vốn của HTX ít, sức hấp dẫn để thu hút đối với người dân chưa cao nên số lượng thành viên tham gia còn hạn chế. Các cấp, ngành và chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến sự phát triển của HTX. 

Theo phản ánh của một số HTX, dù đơn vị đã sản xuất được các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Thế nhưng các chương trình hỗ trợ người dân ở địa phương lại không mua cây, con giống của HTX, mà lại chọn mua giống cây, con ở các địa phương khác.

Ngoài ra, nhiều HTX có đủ năng lực và kỹ thuật sản xuất để tham gia thực hiện các dự án về phát triển sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thế nhưng số lượng HTX được tham gia rất ít hoặc không được tham gia vào các chương trình, dự án này của địa phương. Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng chính quyền địa phương cũng chưa tin vào năng lực của các HTX?

Theo bà Phạm Thị Trầm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, một trong những rào cản lớn nhất của các HTX ở miền núi, là vốn đầu tư và quỹ đất để xây dựng khu tập kết, chế xuất và bảo quản sản phẩm. Vào thời điểm thu hoạch nhiều, sản phẩm bán không hết mà không được bảo quản rất dễ bị hỏng, không tiêu thụ được đã gây thiệt hại không nhỏ cho HTX.

Cũng trong tình trạng thiếu vốn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ - ông Nguyễn Thanh Thanh cho biết: HTX đang hướng tới phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương như trồng cây cà ri, trúc... để xuất khẩu đi các nước Ấn Độ, Nhật Bản. Đồng thời, liên kết phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Làng Teng. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu này cần phải có vốn. 

"Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn để HTX đầu tư phát triển, tạo thêm công ăn việc làm, giúp người dân vùng đồng bào DTTS giảm nghèo và vươn lên làm giàu", ông Thanh Thanh đề xuất.

Để các HTX phát triển theo hướng bền vững, ngoài sự nỗ lực trong nội tại của HTX, rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn và quỹ đất để HTX có cơ sở sản xuất. Được biết, tỉnh Quảng Ngãi đã dành hơn 145 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 năm 2023, giúp các HTX phát triển. 

Ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: Đây là thời cơ tốt để các HTX tại vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển. Thời gian tới, các huyện miền núi cần tập trung hỗ trợ HTX tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.