Nhiều giải pháp giúp HTX phát triển bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 752 HTX và 25 tổ hợp tác với hơn 200.000 thành viên. Để giúp các HTX vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các HTX. Rà soát, giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng, củng cố hoặc giải thể những HTX hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn các HTX xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Nhiều giải pháp cụ thể được các cấp chính quyền đưa ra, nhằm giúp HTX phát triển bền vững, cụ thể: Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng…
Tận dụng những lợi thế sẵn có, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân khi mạnh dạn ứng dụng có hiệu quả khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, thực hiện tốt vai trò liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu vào, đầu ra ổn định cho sản phẩm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Qua đó, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Vĩnh Phúc được áp dụng trên nhiều lĩnh vực và đang trở thành phong trào của nhiều HTX, doanh nghiệp tại địa phương. Vì thế, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” với những mảnh ruộng nhỏ, manh mún đã trở nên xa dần, thay vào đó là hình ảnh những cánh đồng công nghệ cao được hình thành ngày càng nhiều.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 20 HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động khá tốt từ 60% trở lên. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt khoảng 85 triệu đồng/người/năm.
Nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Những tiến bộ kỹ thuật tiêu biểu được đưa vào thực tiễn như: Áp dụng trồng rau, hoa trong nhà lưới bằng kỹ thuật thủy canh. Sử dụng cây trồng được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô (chuối tiêu hồng, hoa lan...). Ứng dụng ghép cà chua lên gốc cây cà tím, dưa hấu ghép trên gốc bầu, sử dụng chất điều hoà sinh trưởng thực vật trong điều khiển cây trồng. Hay áp dụng IPM, ICM, VietGAP trên cây lúa, rau, ngô, cây ăn quả... góp phần quan trọng giảm hẳn việc sử dụng thuốc trừ dịch hại trên đồng ruộng, giữ được cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu sự độc hại cho môi trường và con người. Nhờ ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào sản xuất, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã có có hàng chục sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận OCOP.
Trong khi đó, chăn nuôi được định hướng phát triển thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu nông nghiệp theo hướng trang trại công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc và đầu ra ổn định. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung áp dụng khoa học kĩ thuật.
Tam Đảo là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, với nền khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng, phù hợp phát triển nhiều loại nông sản đặc thù. Trên địa bàn huyện, hiện có nhiều mô hình HTX phát triển tiêu biểu. Điển hình, HTX Nấm Tam Đảo là một trong những đơn vị thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Với diện tích sản xuất 2,5 ha trồng nấm sò trái vụ và đông trùng hạ thảo, HTX đã đầu tư hệ thống phòng lạnh công nghiệp, kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, hệ thống phòng nhân giống, cấy mô cùng dây chuyền máy đóng bịch, nồi hơi hấp thanh trùng… để sản xuất sản phẩm nấm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường. Theo đó, trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 350 tấn nấm, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng, đem lại thu nhập ổn định cho 20 hộ thành viên.
Hiện tại, HTX Nấm Tam Đảo luôn đổi mới trong khâu sản xuất, nuôi trồng nấm. Ví dụ như với nấm Bào Ngư, trước dây với việc sản xuất và tiêu thụ truyền thống thì nay HTX đã áp dụng nuôi trồng trong phòng lạnh vào mùa Hè, với điều kiện nhiệt độ phù hợp để nấm phát triển cho năng xuất và chất lượng cao hơn. Ngoài ra, HTX Nấm Tam Đảo đang hợp tác nghiên cứu với Viện Sinh học Đề tài chế biến bã thải từ trồng nấm thành phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng. Đây sẽ là chuỗi khép kính cho quy trình sản xuất của HTX.
Bên cạnh việc tập trung trồng và chăm sóc các loại nấm có giá trị kinh tế cao, cũng như cung ứng giống nấm, nguyên liệu trồng nấm cho các hộ thành viên, HTX Nấm Tam Đảo đang tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng như đưa sản phẩm nấm mang thương hiệu Tam Đảo vào hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Một mô hình tiêu biểu khác là HTX rau hoa Tam Dương (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Sau nhiều năm đi vào hoạt động, với sự đầu tư bài bản hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ cao và sự nhạy bén lựa chọn trồng những loại rau quả có giá trị, HTX đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Không chỉ là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, HTX rau hoa Tam Dương còn là nơi tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều nông dân các địa phương trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp người nông dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất để tăng năng suất và giá trị hàng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.