Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Trên tuyến lửa Quảng Bình: Viết tiếp bản hùng ca (Bài cuối)

Thanh Nguyễn - 18:25, 15/06/2022

Tôi đã từng rong ruổi qua nhiều miền đất nơi “tuyến lửa” Quảng Bình. Đi thấy, nghe và tôi cảm nhận rõ ràng rằng: Quảng Bình đang ngày càng đổi mới. Đó chẳng phải là lời mà ca từ bài hát "Quảng Bình quê ta ơi", tôi được nghe: Mỗi một ngày qua quê ta trưởng thành..; mà đó chính là những nỗ lực vượt khó, đồng cam cộng khổ, khi mà cả vùng “tuyến lửa” đang viết tiếp bản hùng ca.

Sân bay Đồng Hới đã tấp nập những chuyến bay cất và hạ cánh
Sân bay Đồng Hới đã tấp nập những chuyến bay cất và hạ cánh

Đứng lên từ đổ nát chiến tranh

Không nói thì ai cũng sẽ hình dung đủ đầy về một “tuyến lửa” Quảng Bình gian khó sau chiến tranh. Thời ấy, kinh tế Quảng Bình chậm phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nghèo nàn, hạ tầng kỹ thuật và những yếu tố vật chất bảo đảm cho sản xuất còn thiếu thốn, yếu kém. Quá trình xây dựng và phát triển, có thời điểm tỉnh Quảng Bình đứng trước những khó khăn, thử thách hết sức gay gắt.

Nhưng rồi, bản hùng ca bất tử những ngày kháng chiến, là hành trang, độnglực không gì quý hơn để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Quảng Bình nỗ lực, vượt khó. Nhìn vào những thành tựu hôm nay, thật đáng tự hào, ngưỡng mộ cho một vùng đất từng là chiến địa.

Nhìn vào kết quả hôm nay, những người khó tính nhất cũng phải gật đầu. Nói về tăng trưởng GRDP, hiện nay đạt 4,83%, GRDP bình quân đầu người cũng đã đạt 49 triệu đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,83%; dịch vụ tăng 4,11%. Tỉ lệ hộ nghèo từ hơn 44% năm 1993 nay đã xuống 3,3%.

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày càng sôi động
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày càng sôi động

Quảng Bình đã sớm khẳng định được những sản phẩm công nghiệp có thương hiệu. Đó là xi măng Sông Gianh, xi măng Văn Hóa, xi măng Vạn Ninh, phân bón Sông Gianh, bia, may xuất khẩu...

Cũng nhờ tận dụng tốt ưu lợi thế, thời kỳ 2010-2019, ngành du lịch có nhiều khởi sắc và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Rồi đây, Quảng Bình sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn và hướng đến phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước trong tương lai. Hiện nay, khu vực dịch vụ chiếm 49,54% trong cơ cấu GRDP.

Ấy là công nghiệp và dịch vụ; còn nông, lâm, ngư thì sao? Hiện tại Quảng Bình đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,41%.

Lâm nghiệp chuyển đổi theo hướng lâm nghiệp xã hội. Còn thủy sản đang phát triển theo hướng khai thác vùng biển xa, sản phẩm chất lượng, giá trị được nâng cao. Quảng Bình hiện có đội tàu đánh bắt vùng biển xa đứng thứ 3 toàn quốc.

Tôi khá ấn tượng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đô thị của tỉnh được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại. Mạng lưới kinh doanh thương mại dịch vụ phát triển nhanh đến tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa.

Quảng Bình hiện đã có sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thuỷ lợi,... Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư.

Còn Đồng Hới từ một thị xã nhỏ, đến nay đã trở thành thành phố đô thị loại II, năng động và hiện đại. Ba Đồn trở thành thị xã trực thuộc tỉnh. Rồi Hoàn Lão, Kiến Giang trở thành đô thị loại IV, đang chuẩn bị lộ trình đi lên thị xã...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình phấn khởi: Tất cả bấy nhiêu là nhờ xác định hướng đi đúng đắn, có lộ trình hợp lí. Quảng Bình cũng đã tranh thủ tốt tiềm năng, lợi thế; phát huy được sức mạnh nội sinh, đoàn kết của toàn thể Nhân dân và cả hệ thống chính trị; tận dụng được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Đó là những kết quả quan trọng làm tiền đề vững chắc cho những giai đoạn tiếp theo của tỉnh.

Một góc thành phố Đồng Hới
Từ một thị xã nhỏ, đến nay Đồng Hới đã trở thành thành phố đô thị loại II, năng động và hiện đại.

Hướng đến tương lai

Quảng Bình được tái lập đúng vào thời điểm đất nước bước vào những năm đầu của giai đoạn đổi mới. Nhưng nay, “tuyến lửa” đã đổi thịt thay da đến không ngờ. Trên con đường 1A từ Đèo Ngang (Quảng Trạch) đến vùng Lệ Thủy, rồi từ Tân Ấp (Tuyên Hóa) đến vùng Bến Quan (Gio Linh), hay ngược đường xuyên Á 12A ngược lên cửa khẩu Cha Lo..., đâu đâu cũng bắt gặp một bức tranh tươi mới, tràn đầy sự sống mãnh liệt. Những khu công nghiệp, khu kinh tế hối hả; những mô hình kinh tế vườn đồi trù phú, vùng kinh tế biển Nhật Lệ sầm uất…

Trong rất nhiều bài học sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, chắc hẳn rằng bài học phát huy truyền thống cách mạng quê hương, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, sẽ là đường hướng xuyên suốt mà cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Quảng Bình tạc ghi.

Còn nhớ, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị: Quảng Bình tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tăng cường hợp tác công tư, lấy nguồn lực Nhà nước để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội. Tinh thần là mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa, tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

Một góc KKT Hòn La
Một góc khu kinh tế Hòn La

Đó sẽ là niềm tin, kì vọng mà Đảng, Chính phủ dành trọn cho đất và người Quảng Bình. Đề cập đến lộ trình cho những năm tới, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thông tin: Quảng Bình sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trước hết là phát triển công nghiệp và du lịch, dịch vụ. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, tỉnh sẽ tiếp tục huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, trong nội bộ các ngành kinh tế theo hướng chất lượng, giá trị; tăng nhanh khu vực có năng suất lao động và hiệu quả cao; phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thành rõ nét vùng động lực, ngành chủ lực, mũi nhọn gắn với tăng cường liên kết để phát huy thế mạnh và vai trò động lực của từng vùng, từng trung tâm kinh tế. Cơ cấu lại lực lượng lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.

Nếu ai hỏi vì sao Quảng Bình có được tiền đồ như hôm nay, thì đất và người nơi “tuyến lửa” sẽ tự hào mà nói rằng: đó là tất cả những nỗ lực vượt khó, vượt khổ, đoàn kết, tự cường. Chắc chắn, thành tựu và những bài học kinh nghiệm quý giá hôm nay, sẽ là tiền đề, nền tảng và là hành trang vững chắc cho quá trình phát triển của tỉnh nhà trong tương lại./.

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.