Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tiếng khèn bè của người Bru Vân Kiều

Khánh Ngân - 08:50, 25/02/2022

Tiếng khèn bè trầm bổng hòa cùng điệu cà lơi ấm áp của người Bru Vân Kiều làm tôi say đắm. Tôi tự hỏi mai này, khi thế hệ như ông Chơn, ông Chảnh già yếu không thể chơi khèn được nữa, thì tiếng khèn bè, điệu cà lơi; cha chấp, oát, xiêng, xa nớt… có bị thất truyền!

 Ông Hồ Văn In ở xã Lìa (Hướng Hóa, Quảng Trị) hướng dẫn, giảng dạy cho các cháu về cách sử dụng khèn bè
Ở xã Lìa còn có ông Hồ Văn In, cũng đang dành hết tâm huyết để truyền dạy cách sử dụng khèn bè cho các cháu nhỏ

Hồn cốt của người Bru Vân Kiều

Đến thôn Kỳ Tăng, xã Lìa (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), tôi được nghe kể nhiều về tình yêu, niềm đam mê và sự hiểu biết sâu rộng nhạc cụ khèn bè, làn điệu dân ca dân tộc của hai anh em ruột Hồ Văn Chơn (sinh năm 1934), Hồ Cu Chảnh (sinh năm 1937). Những câu chuyện về sự trăn trở, tâm huyết quên ăn quên ngủ của các ông để tiếng khèn bè bao năm qua vẫn vang lên, khiến chúng tôi nóng lòng tìm đến.

Trong căn nhà nhỏ, nằm lọt thỏm trong thung lũng nơi dãy Trường Sơn, nghệ nhân Hồ Văn Chơn vừa vuốt ve chiếc khèn bè vàng óng, chậm rãi nói: Muốn có được một chiếc khèn thanh âm chuẩn, việc khó đầu tiên là chọn trúc. Trúc làm khèn không được già quá, cũng không được non quá. Đặc biệt, phải chặt trúc vào ban đêm, thời điểm chớm hè cuối xuân. Rồi đến khâu vót, cắt, khoan, phơi, hơ lửa..., mỗi chiếc khèn bè làm xong cũng hết cả tháng trời.

Bên bếp lửa hồng trong nếp nhà sàn, nhân lúc ông Hồ Cu Chảnh sang chơi, hai anh em nghệ nhân "chiêu đãi" khách miền xuôi một tiết mục khèn bè và điệu cà lơi thật thú vị. Tiếng khèn do ông Hồ Văn Chơn thể hiện vang lên trầm bổng, quấn quyện vào điệu cà lơi của ông Hồ Cu Chảnh như da diết, thổn thức... Dù không hiểu lời của điệu cà lơi của người Bru Vân Kiều, nhưng tôi cảm nhận được sự ấm áp, thánh thiện và lạc quan mà người Bru Vân Kiều gửi vào ca từ và giai điệu.

Nghệ nhân Hồ Văn Chơn nói, tuổi ông giờ đã cao, nhưng mỗi khi thổi khèn bè, tù và hay đánh cồng chiêng và hát những làn điệu dân ca truyền thống, tôi thấy mình trẻ lại như tuổi đôi mươi. Luôn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống và tin vào Đảng, Nhà nước với những chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua tìm hiểu được biết, những năm qua, ông Hồ Chơn đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức để sưu tầm, bảo tồn được khoảng 10 loại nhạc cụ truyền thống và giữ gìn cẩn thận như báu vật trong nhà. Trong đó, có một chiếc tù và rất độc đáo được ông tự tay làm từ một cái sừng trâu đơn thuần trong 1 tháng. Nhiều người hỏi mua nhưng ông không bán. Ông bảo, hàng chục năm qua, ông gìn giữ cẩn thận và chỉ đem ra thổi vào những dịp đặc biệt. Bởi, theo tục lệ từ xa xưa cho đến nay, muốn thổi tù và phải làm lễ khấn vái báo với thần linh, tổ tiên mới được thổi.

"Với người Bru Vân Kiều, những nhạc cụ như tù và, khèn bè... rất có giá trị về văn hóa, nó như “ hồn cốt” của bản làng nên phải bảo vệ, giữ gìn nó thôi”, ông Chơn nói.

Vang mãi tiếng khèn bè

Được nghe âm thanh từ tiếng khèn bè lúc trầm bổng, lúc réo rắt làm say đắm lòng người của nghệ nhân Hồ Văn Chơn, bất giác tôi có chút băn khoăn, một mai khi thế hệ ông Chơn, ông Chảnh già yếu, thì ai sẽ thay các ông nối tiếp mạch nguồn văn hóa dân tộc? Như hiểu ý tôi, ông Chơn cười: “Chúng tôi truyền dạy cho thế hệ trẻ, các cháu không những lưu giữ được, mà còn phát huy tốt để tiếng khèn bè sống mãi với người Bru Vân Kiều ở đỉnh Trường Sơn này”.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhìn nghệ nhân Hồ Văn Chơn vẫn rắn rỏi, cường tráng như cây lim, cây táu trong rừng già. Những ngón tay ông bấm trên từng nốt nhạc của chiếc khèn bè vẫn thoăn thoắt, chính xác. Đôi mắt tinh anh của ông vẫn dõi theo, tìm kiếm những bạn trẻ có năng khiếu để truyền dạy tiếng khèn và các làn điệu của dân tộc mình.

Bao năm qua, nghệ nhân Hồ Văn Chơn không chỉ được xem, là “kho” tư liệu văn hóa sống của người Bru Vân Kiều trong sử dụng thuần thục các nhạc cụ, làn điệu dân ca, mà ông còn là người duy nhất ở Quảng Trị hiện nay, có thể làm được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Trong đó, ấn tượng nhất là việc chế tác khèn bè của người Bru Vân Kiều chuẩn âm và đẹp.

Ngoài ra, từ nhỏ, cùng với người em ruột của mình là ông Hồ Cu Chảnh cũng rất yêu thích khèn bè, hai anh em ông còn sử dụng thành thạo tù và, cồng chiêng, đánh trống và hát được nhiều làn điệu như: Cà lơi, cha chấp, oát, xiêng, xa nớt… Với sự yêu thích, ham học hỏi và sẵn vốn có năng khiếu nên hai ông đã nhanh chóng lĩnh hội rất sâu sắc về văn hóa dân tộc mình. 

Ở xã Lìa, ngoài ông Hồ Văn Chơn, ông Hồ Cu Chảnh còn có ông Hồ Văn In, đang dành trọn tâm huyết để truyền lại “hồn cốt” của bản làng cho thế hệ trẻ. Để những điệu cà lơi, cha chấp, oát, xiêng, xa nớt…không bị thất truyền, tiếng khèn bè của người Bru Vân Kiều còn vang mãi trên đỉnh Trường Sơn.  

Hiện nay, ở xã Lìa có khoảng 40 nghệ nhân, trong đó: Nghệ nhân về nhạc cụ, làn điệu âm nhạc truyền thống khoảng 10 người; nghệ nhân đan lát khoảng 20 người; nghệ nhân dệt thổ cẩm khoảng 10 người.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.