Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trạm Tấu: Người Mông đón chung Tết Cổ truyền

PV - 22:28, 07/02/2018

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đồng bào dân tộc Mông huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) lại tất bật hơn, phấn khởi hơn bởi không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón một mùa Xuân mới. Đây cũng là cái Tết thứ 5 mà đồng bào dân tộc Mông ăn chung Tết Nguyên đán với đồng bào các dân tộc trên cả nước.

Theo cách tính của lịch Mông, cuối tháng Con Bò hoặc đầu tháng Con Hổ tương đương với tháng 1 hoặc tháng chạp (tính theo con giáp) là các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí Tết. Đó là khi mùa màng xong, “ngô lúa đã đầy bồ, lợn gà đầy sân, cỏ khô đã chuẩn bị cho bò, ngựa”...

Ăn chung một Tết, nhưng đồng bào Mông không bị mai một bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ăn chung một Tết, nhưng đồng bào Mông không bị mai một bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 

Việc ăn Tết Cổ truyền của người Mông mang nặng tính cộng đồng, dòng họ, gắn liền với tín ngưỡng của dòng họ mang tính nội tộc là chủ yếu. Vì vậy không phải ai cũng được mời đến ăn Tết hoặc tự tiện đến chúc Tết gia đình. Tết là dịp những người cùng dòng máu, ruột thịt, cùng dòng họ về gặp nhau, ăn uống, chúc tụng...

Tuy nhiên, Tết của đồng bào Mông thường kéo dài cả tháng, do vậy mất rất nhiều thời gian cho lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và gây lãng phí, tốn kém... Chính vì vậy, từ năm 2013, tỉnh Yên Bái có chủ trương vận động đồng bào Mông đón chung một Tết với các dân tộc khác để đảm bảo thuận lợi cho sản xuất, học tập của học sinh và tăng thêm tinh thần đoàn kết dân tộc. Việc người Mông lùi thời gian lại để ăn chung một Tết, không hề mất đi bản sắc văn hóa của họ, ngược lại mọi phong tục tập quán đều được giữ gìn.

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: Trạm Tấu là một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước với 77% là đồng bào dân tộc Mông. Thực hiện chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung một Tết, huyện đã triển khai sâu rộng tới 100% các xã, các thôn, bản và từng hộ dân. Đến nay, sau 5 năm, Cuộc vận động đồng bào dân tộc Mông ăn chung một Tết Cổ truyền của dân tộc đã đi vào cuộc sống, từng bước thay đổi được cách nghĩ, cách làm của đồng bào người Mông ở đây.

Anh Giàng Nủ Lâu, xã Trạm Tấu chia sẻ: Trước đây, mỗi lần đón Tết, đứa lớn nhà tôi đang học đại học cũng phải về, đứa nhỏ thì nghỉ học luôn nên ảnh hưởng lắm. Từ khi đón Tết cùng các dân tộc, gia đình tôi phấn khởi lắm, bọn trẻ được xum vầy mà không lo ảnh hưởng việc học tập, tôi cũng có kế hoạch để xuống giống đúng thời vụ hơn, ngô thóc đã nhiều hơn trước đây. Đón chung một cái Tết, các thôn, bản, xã đều tổ chức các chương trình vui chơi nên cũng vui hơn.

Chị Giàng Thị Dua, thôn Tà Tầu (xã Pá Hu) bộc bạch: trước kia khi chưa ăn chung một cái Tết, mình nghỉ ăn Tết họ vẫn đi làm, khi mình đi làm họ lại nghỉ nên không có hoạt động gì chung, không đến chơi nhà nhau được. Giờ đón Tết chung, chị em phụ nữ có dịp thăm nhau, ngồi cùng nhau trò chuyện gia đình, cuộc sống, bảo ban nhau cách làm ăn, gia đình đầy đủ người hơn, tiết kiệm được rất nhiều… Thậm chí, bây giờ chỉ phải lo một cái Tết lại được Nhà nước hỗ trợ nên đỡ vất vả rất nhiều, việc đón Tết muộn hơn cũng tạo điều kiện đi mua sắm, chuẩn bị kỹ hơn cho ngày Tết.

5 năm hòa cùng với không khí đón năm mới của đồng bào cả nước, đồng bào người Mông ở Trạm Tấu vui mừng vì những phong tục, tập quán, các nét đẹp văn hóa của mình không bị mai một mà còn được phát huy tốt hơn. Việc ăn chung một Tết không phá vỡ bản sắc văn hóa mà còn phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt, tiết kiệm chống lãng phí cho đồng bào dân tộc Mông.

Anh Giàng A Lồng, Bí thư Đảng ủy xã Pá Hu chia sẻ: Để thay đổi một tập tục vốn đã có từ bao đời nay của một dân tộc là rất khó khăn, nhưng với phương châm mưa dầm thấm lâu, gần dân, sát dân, đảng viên gương mẫu làm trước, đồng thời tranh thủ sự giúp sức của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng nên 5 năm nay, người Mông ở địa phương không còn mổ nhiều trâu bò, gà lợn, rượu chè đình đám trong ngày Tết nữa mà biết chi tiêu tiết kiệm. Điều đó đã giúp bà con có bát ăn bát để và có tiền để mua sắm vật dụng tập trung vào sản xuất…

NGỌC TUẤN

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.