Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, chị Mã Én Hằng về công tác tại Sở Địa chính tỉnh Lào Cai (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường). Năm 2013, khi đó chị Hằng đang là Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường thì được tỉnh điều động về làm Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Về đơn vị mới với bao bỡ ngỡ, khó khăn vì công việc hoàn toàn khác so với công việc chị đã làm lâu nay.
“Thú thật khi mới về Ban Dân tộc mình “chả hiểu gì về công tác dân tộc” cả, mình hầu như phải học lại từ đầu; học thầy, học bạn, học đồng nghiệp, những người đi trước và quan trọng đó là học từ cơ sở, từ chính bà con các dân tộc ở thôn bản. Rồi qua những lần đi cơ sở, gặp gỡ già làng, Người có uy tín, các thầy cô giáo, các cháu học sinh… mỗi người lại cho mình thêm những hiểu biết, kinh nghiệm, phong tục tập quán… Cùng với đó, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó có những đề xuất, kiến nghị, góp ý cho các chủ trương, chính sách dân tộc sát với thực tế, để đồng bào được hưởng các chính sách hiệu quả nhất, thiết thực nhất…”, chị Hằng tâm sự.
Ngành công tác dân tộc bao gồm rất nhiều lĩnh vực, rất đa dạng đòi hỏi người làm công tác dân tộc phải có kiến thức rộng, tổng hợp mới hoàn thành được nhiệm vụ. Đây là khó khăn thách thức không chỉ của riêng chị Hằng mà còn của tất cả những người làm công tác dân tộc. Với chị Hằng, là người làm công tác quản lý, lo nhất là khi tham gia các cuộc họp sợ mình không đủ kiến thức, hiểu biết để tham gia, góp ý, trao đổi với các đại biểu và chính đồng nghiệp trong cơ quan. Chính vì vậy, lúc nào chị cũng phải “căng mình” ra tự học hỏi; ngoài đi cơ sở thì tìm hiểu qua phương tiện thông tin, sách báo, tìm hiểu các chủ trương, chính sách dân tộc…
“Nhờ đó, mình vỡ ra rất nhiều điều; đến nay, qua gần 10 năm công tác dân tộc cũng đã quen với công việc, nhiệm vụ, nhưng nhiều lúc mình vẫn thấy còn thiếu rất nhiều vì xã hội phát triển, chủ trương, chính sách dân tộc cũng có nhiều đổi thay để phù hợp với điều kiện thực tế. Chính vì vậy, kiến thức không bao giờ đủ, càng làm càng thấy thiếu và nhận thấy kinh nghiệm của mình chỉ là hạt cát trong sa mạc”, chị Hằng trăn trở.
Là phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, tôi có nhiều lần được đi công tác cùng chị Hằng. Điều mà tôi cảm nhận được ở chị đó là sự hòa đồng, cầu thị mỗi khi về với cơ sở, về với đồng bào các dân tộc. Ngược lại, đồng bào, Người có uy tín thôn bản luôn coi chị như con em trong nhà, sẵn sàng tâm sự, sẻ chia rất cởi mở.
“Cô Hằng dù nhiều việc nhưng mỗi năm cũng về thăm mấy lần, không về được thì gọi điện hỏi thăm, nắm bắt thông tin thôn bản, động viên những Người có uy tín như tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, ông Phàn A Bồng, Người có uy tín thôn Cầu Xum, xã Vạn Hòa bảo vậy.
10 năm làm việc trong lĩnh vực dân tộc cũng chưa phải là nhiều, nhưng cũng không quá ngắn để chị Hằng có những đóng góp, thành tích trong công tác. Điều mà chị tâm đắc nhất đó là đã hoàn thành được “Bộ dữ liệu DTTS tỉnh Lào Cai” mà chị và các cộng sự đã dày công xây dựng vào năm 2018.
Với cương vị là trưởng nhóm biên soạn Bộ dữ liệu, chị Hằng cùng các đồng sự mất hàng năm trời đi đến từng thôn bản để tìm hiểu, thu thập thông tin. Đây cũng là Bộ dữ liệu được đánh giá là hoàn thiện nhất, đầy đủ thông tin nhất về kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của từng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng như hệ thống các văn bản có liên quan đến công tác dân tộc.
“Cái hay của Bộ dữ liệu này đó là dữ liệu mở nên có độ chính xác rất cao vì hằng năm mọi biến động, thay đổi của từng dân tộc cũng như các số liệu khác đều được cập nhật bổ sung. Đã có rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến Lào Cai tham khảo, học tập kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành Bộ dữ liệu này”, chị Hằng thông tin.
Nhiều chủ trương, chính sách dân tộc được triển khai trong thời gian qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những đổi thay nhất định. Tuy nhiên, đồng bào ở các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn thì rất dễ bị tổn thương vì không còn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nữa thì giáo dục ra sao, y tế thế nào?… đó cũng là trăn trở không chỉ riêng của chị Hằng mà là của những người làm công tác dân tộc.
“Với vai trò là người làm công tác quản lý, điều tôi trăn trở nữa đó bộ máy làm công tác dân tộc hiện nay. Với cấp huyện thì cán bộ còn thiếu, trình độ năng lực còn hạn chế, thường xuyên luân chuyển. Với cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm mà thực tế với cấp xã có quá nhiều việc, nên nhiều lúc, nhiều nơi chưa cập nhật hết các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các chính sách dân tộc… dẫn tới hiệu quả chưa cao”, chị Hằng tâm sự.
Tôi tin đó cũng là trăn trở không chỉ riêng của chị Hằng mà của tất cả những người làm việc trong ngành công tác dân tộc hiện nay. Đặc biệt, khi mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã chính thức khởi động thì những khó khăn, bất cập này cần sớm được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ.