Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn mới: Cần một hành lang pháp lý phù hợp

Thúy Hồng - 09:45, 21/04/2022

Trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc được ban hành nhiều, phủ kín các lĩnh vực, nhưng nhiều văn bản chồng chéo do nhiều chủ thể ban hành, chủ yếu là văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý thấp, kết quả thực hiện còn hạn chế… Do đó, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện luật về lĩnh vực dân tộc nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, tạo hành lang pháp lý là điều quan trọng, nhằm tiếp tục phát triển vùng DTTS và miền núi.

Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc được ban hành nhiều, phủ kín các lĩnh vực, nhưng nhiều văn bản chồng chéo, hiệu lực pháp lý thấp, kết quả thực hiện còn hạn chế. (Trong ảnh: Khu tái định cư đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Pon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, Điện Biên).
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân tộc, cần một hành lang pháp lý phù hợp. (Trong ảnh: Khu tái định cư đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Pon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, Điện Biên).

Nhiều văn bản… nhưng hiệu lực pháp lý chưa cao

Theo rà soát của Ủy ban Dân tộc, hiện nay, tổng số văn bản pháp luật có quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc là 324 văn bản, bao gồm: 6 điều khoản trong Hiến pháp 2013, 85 luật, bộ luật, 5 nghị quyết của Quốc hội, 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 52 nghị định của Chính phủ, 11 nghị quyết của Chính phủ, 1 nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 118 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 49 thông tư liên tịch, 2 quyết định của Bộ trưởng.

Tuy nhiên, qua rà soát, Ủy ban Dân tộc phát hiện 10 văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, 19 văn bản có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt có 19 chính sách chưa được ghi nhận, hoặc chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, phần lớn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chính sách đặc thù với cán bộ người DTTS, văn hóa, thể thao…

Đơn cử như Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc - văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực dân tộc cho đến nay, nhưng đã được ban hành từ ngày 14/1/2011 và hiện vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các chính sách mới liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi được quy định trong các luật gần đây.

Hay đối với lĩnh vực văn hóa, qua rà soát, có 86 Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung liên quan đến công tác dân tộc, trong đó có 39 văn bản có nội dung liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó có 20 văn bản, dự án để triển khai thực hiện 5 nghị quyết của Quốc hội về chính sách dân tộc.

Cần có một khung hành lang pháp lý cao nhất điều chỉnh thống nhất các chính sách dân tộc, để vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển thực sự bền vững
Điều chỉnh thống nhất các chính sách dân tộc, góp phần đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục phát triển bền vững

Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn như: Lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc chưa có Luật, Pháp lệnh để điều chỉnh, gây khó khăn cho việc xây dựng khung pháp lý làm cơ sở thực hiện công tác dân tộc; các quy định liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch hiện nay được quy định tại 1 thông tư và lồng ghép trong các văn bản quy phạm pháp luật của Ngành, thiếu tính hệ thống, văn bản có hiệu lực pháp lý không cao.

Vừa qua (đầu tháng 3/2022), phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, một trong những nguyên nhân trọng yếu, là chúng ta còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật ở tầm một đạo luật, điều chỉnh thống nhất các chính sách dân tộc, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc.

“Dù hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc được ban hành nhiều, phủ kín các lĩnh vực, nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế. Điều này do nhiều chủ thể ban hành, chủ yếu là văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý thấp… dẫn đến hệ thống chính sách dân tộc nằm rải rác ở nhiều văn bản, chưa thể hiện rõ tính chiến lược và chưa có tầm nhìn dài hạn; tính ổn định; tính dự báo và tính khả thi của một số chính sách dân tộc chưa cao. Việc bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết.

Cần hoàn thiện khung pháp lý cao nhất

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban Dân tộc đang tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV những nội dung liên quan đến vùng DTTS và miền núi.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, để bảo đảm công tác dân tộc được thực hiện nhất quán, từ trên xuống, cần phải có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho đến từng cộng đồng, người dân; thống nhất quan điểm, nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...; từ nhận thức đó phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, đảm bảo thiết thực và phù hợp với địa bàn, đặc điểm sinh hoạt, tập quán của đồng bào DTTS.…

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc, làm rõ nội hàm, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc. 

Bên cạnh đó, phối hợp tốt với các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.