Theo giới khoa học Mỹ, với mức nóng lên của toàn cầu hiện nay, tăng khoảng 1,1 độ C so với nhiệt độ trái đất thời kỳ tiền công nghiệp (trước năm 1750), quá trình dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) cực đoan, nguy hiểm đã và đang bắt đầu.
Trường hợp nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C, hậu quả mà các nhà khoa học cảnh báo càng thêm chắc chắn sẽ xảy ra. Đó là các tảng băng ở Greenland, Tây Nam Cực, Bắc Cực bị tan vĩnh viễn và làm chết các rạn san hô.
Điều này đồng nghĩa với việc trái đất sẽ chịu những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, lâu dài: Mực nước biển dâng cao đe dọa hầu hết các thành phố ven biển; nhiệt độ toàn cầu tăng cao khiến thời thiết khắc nghiệt hơn ở nhiều nơi, nhất là châu Âu. Lớp băng vĩnh cửu một khi tan chảy sẽ giải phóng nhiều khí nóng hơn vào bầu khí quyển và sẽ càng gia tăng áp lực lên nỗ lực chống BĐKH.
Kết quả nghiên cứu mới nói trên cũng phù hợp với đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (một nhóm chuyên gia do LHQ chỉ định nghiên cứu) đưa ra mới đây rằng nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các mối đe dọa do BĐKH gây ra sẽ tăng đáng kể.
Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa này, các nhà khoa học kêu gọi toàn thế giới cần nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính cũng như các loại khí giữ nhiệt khác một cách triệt để, giảm bớt tình trạng trái đất nóng lên.
Nghiên cứu mới này là bằng chứng khoa học nữa cho thấy thế giới cần cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân dẫn đến BĐKH, theo lộ trình đã đề ra trong Hiệp ước Paris về BĐKH.
Tuy nhiên, kiềm chế mức tăng của nhiệt độ trái đất dưới 1,5 độ C cũng không đảm bảo rằng các hậu quả do BĐKH không xảy ra nhưng chắc chắn nguy cơ sẽ ít đi. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đạt mức trung hòa khí thải vào năm 2050./.