Một vụ thu hoạch đầy khó khăn
Ông Manas Takfaeng (67 tuổi) sống tại Ayutthaya, phía bắc thủ đô Băng Cốc – một người nông dân đã gắn bó cả đời bên những cánh đồng lúa. Dù đã có rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nhưng đến thời điểm hiện tại, ông vẫn cảm thấy thật khó để hiểu được việc biến đổi khí hậu đã tác động và liên tiếp khiến cho cây trồng bị thiệt hại những năm gần đây.
Cảnh quan tại Ayutthaya dần thay đổi theo năm tháng. Giờ đây, bên cạnh cánh đồng lúa của ông Manas là hàng loạt những con đường mới mở và những nhà máy hoạt động hết công suất. Và tất nhiên, khí hậu cũng thay đổi.
Hạn hán đã làm chậm sự phát triển của vành đai nông nghiệp của Thái Lan trong những năm gần đây. Nhiều vùng trồng lúa “khát nước”, nhiều vùng lại xuất hiện mưa với cường độ lớn bất thường đã thổi bay hy vọng về một vụ mùa bội thu của những người nông dân.
Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng của loại cây trồng quan trọng nhất của Thái Lan đã bị ảnh hưởng. Nó gây ra nhiễu loạn thị trường, tạo ra lo ngại về an ninh lương thực và khiến hàng triệu hộ gia đình Thái Lan gặp khó khăn về kinh tế.
“Nhớ ngày trước, mưa thường xuất hiện vào đúng mùa và thời tiết hầu như không thay đổi nhiều. Còn hiện tại, tôi không chắc mùa hè có đúng là mùa hè và mùa đông có đúng là mùa đông không nữa”, ông Manas đầy ưu phiền.
Xa hơn về phía nam tỉnh Prachinburi (miền đông Thái Lan), anh Wichat Petchpradab (36 tuổi) đã chứng kiến vụ thu hoạch cuối cùng của mình ngập trong nước lũ vào cuối năm ngoái.
Giống như nhiều người khác, Wichat đã thuê những cánh đồng để canh tác, bởi anh không đủ khả năng để sở hữu mảnh ruộng của riêng mình. Nhưng vì lượng mưa lớn trút xuống cánh đồng, thời gian ngập úng lâu đã khiến cho cây trồng hư hỏng hoàn toàn và Wichat đứng trước nguy cơ phải “trả giá đắt”.
Wichat chia sẻ: “Những cánh đồng bị ngập lụt, lúa bị thối rữa. Tôi đã cố gắng thu hoạch nó nhưng hầu như không có kết quả gì. Nhìn miếng cơm của mình bị mất đi mà không làm được gì là cảm giác thực sự tồi tệ”.
Đặc tính dễ bị tổn thương
Thái Lan chiếm khoảng một phần tư lượng gạo thương mại toàn cầu. Đây là một ngành công nghiệp cực kỳ quan trọng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Thái Lan cũng là quốc gia xếp thứ 9 trên thế giới về “Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu”.
Vào năm 2019, quốc gia này đã chứng kiến lượng mưa thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ và gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Nước trên sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục và việc trồng lúa bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
Có thể nói, thời điểm là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình trồng lúa. Trước đây, nông dân sẽ kết hợp kiến thức về mô hình thời tiết với trực giác để phán đoán chính xác thời điểm gieo hạt. Những hằng số vốn được tôn vinh trong thời gian qua mà nhiều nông dân Thái Lan vẫn bám vào giờ đây đang tỏ ra vô ích khi đối mặt với điều kiện khí hậu thất thường như hiện nay.
Nithat Charoenthammaraksa là người điều hành một mạng lưới cung cấp, sản xuất và thu gom hạt giống lúa cho khoảng 400 hộ nông dân. Mặc dù đã cung cấp những hướng dẫn về các giống cây phù hợp nhất để trồng và hỗ trợ quá trình trồng trọt cho người dân, nhưng ông đánh giá thập kỷ qua vẫn đầy thách thức với nông dân Thái Lan.
Anh cho biết: “Tình hình hoàn toàn khác so với khi tôi mới bắt đầu mạng lưới vào năm 1997. Hiện tại, đây là một vấn đề nghiêm trọng”.
“Những người nông dân của tôi đều là những người tận tụy. Họ tập trung đến từng chi tiết vì mục tiêu sản xuất ra những loại gạo chất lượng nhất. Tuy vậy, họ sẽ không thể làm gì nếu không có nước. Mọi thứ giờ đây thật khó đoán, nó không theo một quy luật nào cả và tất cả giống như một cuộc đấu tranh”, Nithat cho biết thêm.
Ở Thái Lan có trên 8,1 triệu hộ làm nông nghiệp, nhưng chỉ có 26% trong số này có thể tiếp cận hệ thống tưới tiêu như trong mạng lưới của Nithat. Còn lại là những người nông dân tuổi đã cao, quy mô hoạt động nhỏ, ít được tiếp cận với công nghệ,… vậy nên biến đổi khí hậu được cho là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa họ.
Theo nghiên cứu của Witsanu Attavanich, Phó Giáo sư Kinh tế tại Đại học Kasetsart, với các kịch bản khác nhau trong tương lai, sản lượng lúa thực sự có thể tăng lên ở các khu vực được tiếp cận với hệ thống thuỷ lợi công cộng từ các hồ chứa nước trong khi bị còi cọc nghiêm trọng ở các khu vực khác.
Tuy nhiên, ngay cả với một kịch bản ở mức “vừa phải”, Thái Lan dự kiến có thể sẽ giảm hơn 10% tổng sản lượng gạo. “Đây thực sự là vấn đề rất nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp. Nếu biến đổi khí hậu gia tăng, hạn hán kéo dài, những người ở ngoài khu vực mạng lưới tưới tiêu sẽ không thể tồn tại, và con số này là khoảng 74% số nông dân”, Witsanu nhấn mạnh.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên ngăn chặn và cố gắng làm gì đó trước khi thiệt hại xảy ra không?
Giải pháp hỗ trợ nông dân
Để hạn chế những thiệt hại trong tương lai cho ngành công nghiệp lúa gạo Thái Lan, việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước dài hạn được coi là quan trọng nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp đó thì Witsanu cũng đã nghiên cứu và đề xuất thêm một số giải pháp khác giúp nông dân thích ứng tốt hơn những thách thức trong tương lai.
Ông cho biết, xuất phát điểm là để Chính phủ tái cơ cấu cách thức hỗ trợ tài chính cho những nông dân bị mất mùa do biến đổi khí hậu bằng việc viện trợ vô điều kiện trong trường hợp hạn hán hoặc lũ lụt. Tuy nhiên, Witsanu lập luận rằng, về lâu dài điều này không giúp thay đổi các hành vi giúp cho việc canh tác được bền vững. “Ví dụ, điều gì xảy ra nếu lúa chết vì hạn hán? Người dân sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Nếu như vấn đề này tiếp tục xảy ra vào những năm tới, Chính phủ sẽ phải chi trả thêm nhiều lần nữa, và điều đó không đem lại giá trị lâu dài”, ông cho biết.
Witsanu nhấn mạnh: “Điều này sẽ không thay đổi bất kỳ tập quán nào của nông dân để cải thiện năng suất hoặc tăng khả năng phục hồi sản xuất của họ. Bản thân doanh nghiệp và mạng lưới của chúng tôi có các đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới. Nếu chỉ hỗ trợ thụ động như vậy, trong tương lai chúng tôi sẽ mất khả năng cạnh tranh của mình”.
Việc khuyến khích những người trẻ ở lại làm việc tại quê hương, hỗ trợ người dân nông thôn tiếp cận với công nghệ hiện đại, tìm kiếm thêm nguồn nước và tài trợ cho việc nghiên cứu ra các giống lúa mới sẽ là cách tối ưu hơn việc sử dụng nguồn tiền hỗ trợ hạn chế từ Chính phủ.