Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trà Vinh: Hiệu quả kinh tế từ nuôi cua biển

Phương Nghi - 19:20, 02/08/2023

Ở Trà Vinh, cua biển là loài vật thủy sản dễ nuôi, thích nghi trong môi trường sinh thái tự nhiên, ít bệnh, sản xuất không đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn giống dồi dào, chi phí thấp, có thị trường ổn định.

Người dân ven biển Trà Vinh thu hoạch cua biển trong rừng ngập mặn kết hợp với nuôi tôm sú cho thu nhập ổn định.
Người dân ven biển Trà Vinh thu hoạch cua biển trong rừng ngập mặn kết hợp với nuôi tôm sú cho thu nhập ổn định.

Nhiều năm nay, người dân ở các huyện ven biển Châu Thành, Duyên Hải, Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải chọn cua biển nuôi với nhiều hình thức, như nuôi quảng canh, nuôi ghép với tôm sú, với cá, nuôi trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, năng suất đạt từ 0,8 - 1,2 tấn cua thương phẩm/ha/vụ.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến nay, Trà Vinh có trên 32.000 hộ thả nuôi tôm, cua kết hợp trên diện tích 23.000ha, trong đó có 11.421 hộ thả nuôi cua biển quảng canh trên diện tích hơn 7.000ha. Nhờ giá cua thương phẩm cao, nên nông dân nuôi cua biển thu được lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.

Hiện nay, do nguồn con giống tự nhiên không nhiều như những năm trước, nên để đáp ứng lượng giống thả nuôi, nhiều hộ nuôi cua ở Trà Vinh đã chọn cua giống nhân tạo và kích cỡ con giống nuôi chủ yếu là cua hạt tiêu. Nguồn giống chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Có thể nói hiệu quả kinh tế mang lại của nghề nuôi cua biển cho các hộ vùng ngập mặn ven biển ở Trà Vinh là rất cao, bình quân với 1.000 con cua giống thả nuôi (cua hạt tiêu), sau 4 - 5 tháng nuôi sẽ cho thu nhập từ 13 - 15 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi cua không nhiều, chủ yếu là con giống.

Ông Trần Văn Út, ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang thực hiện mô hình nuôi xen cua biển, tôm sú giúp ông có thu nhập khá cao.
Ông Trần Văn Út, ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang thực hiện mô hình nuôi xen cua biển, tôm sú giúp ông có thu nhập khá cao.

Thời gian qua, mô hình nuôi cua quảng canh đã giúp nhiều nông dân ở các huyện ven biển Trà Vinh vươn lên khá giả. Ông Huỳnh Văn Sáng ở ấp Hồ Tàu, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cho biết: Những năm gần đây, do chủ động nguồn cua giống nhân tạo, nên tỷ lệ cua nuôi sống cao hơn cua giống tự nhiên. Mô hình nuôi cua ghép với các loài thủy sản khác (thả lan) chi phí thấp, ít rủi ro trong quá trình nuôi, chỉ cho ăn thức ăn bổ sung từ hến, cá vụn… khi gần thu hoạch nên môi trường không bị ô nhiễm, cua, tôm ít chết. Đặc biệt, giá cua trên thị trường luôn ổn định, vào thời điểm giá cua biển “lên ngôi” nông dân thu nhập rất cao.

“Mô hình nuôi tôm - cua trong rừng ngập mặn vừa đảm bảo thu nhập và phát triển bền vững, vừa đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, tôm nuôi thả với mật độ thưa, lớn nhanh, sạch bệnh, không chứa nhiều kháng sinh, trên diện tích 2 ha mặt nước ông Sáng nuôi 100.000 con tôm sú giống kết hợp với 30 - 40 kg cua giống (3 - 4 đợt/năm). Với cách nuôi này, mỗi tháng gia đình ông đều có nguồn thu nhập khá từ tôm - cua, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân từ 150 - 200 triệu đồng/năm”, ông Sáng cho biết.

Còn ông Trần Văn Út, ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang làm giàu với mô hình nuôi xen cua biển, tôm sú từ năm 2018. Đến nay, với mô hình nuôi này, mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư con giống và thức ăn, ông Út có lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

“Để cua nuôi đạt gạch bán được giá cao, trong thời gian cua nuôi được hơn 04 tháng tuổi, ông bắt đầu thu hoạch cua đực, chọn cua cái giống cho vào lồng nuôi. Để cua gạch phát triển đồng loạt, nên chọn cua giống đồng đều về chấm gạch, sau đó cho cua ăn bổ sung nhiều thức ăn dinh dưỡng, nhất là ba khía cua sẽ lên đầy gạch, hiện giá cua (03 con/kg) dao động từ 180 - 200 ngàn đồng/kg và cua gạch từ 270 - 300 ngàn đồng/kg”, ông Út khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục Trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Trà Vinh cho biết: “Nghề nuôi cua biển đã góp phần vào việc ổn định cuộc sống của người dân xứ biển rất lớn, trước tình hình tôm sú gặp nhiều rủi ro. Vài năm gần đây, phong trào nuôi cua biển phát triển rất mạnh, nhất là tại các vùng nuôi tôm sú quảng canh và tôm - rừng. Giá cua giống nhân tạo cũng tương đối ổn định, dao động từ 500 - 1.000 đồng/con (kích cỡ hạt tiêu); nguồn giống khá phong phú, có chất lượng. Đây cũng là một trong những vật nuôi quan trọng (sau con tôm sú) đang được ngành Nông nghiệp khuyến khích”.

Để nghề nuôi cua biển trong tỉnh phát triển bền vững, nông dân nuôi cua đảm bảo được lợi nhuận, tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định đầu tư hơn 600 triệu đồng giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai thực hiện đăng ký bảo hộ quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cua biển Trà Vinh. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi cua biển và tiêu thụ sản phẩm cua biển Trà Vinh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.