Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trà Vinh: Đồng bào dân tộc Khmer phấn khởi sản xuất vụ mới

N.Tâm - H.Diễm - 09:45, 17/01/2022

Vụ hoa màu Tết luôn hứa hẹn đem lại lợi nhuận khá cho nông dân vào dịp cuối năm, chính vì vậy, mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng đồng bào Khmer huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) vẫn tập trung xuống giống các loại rau màu của mùa vụ mới. với những kỳ vọng mong có cái Tết đủ đầy, an lành.

Khổ qua (mướp đắng) sắp tới kỳ thu hoạch
Khổ qua (mướp đắng) sắp tới kỳ thu hoạch

Cầu Ngang là huyện ven biển, có gần 35% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, kinh tế của đồng bào nơi đây chủ yếu là trồng hoa màu. Theo Phòng Nông nghiệp huyện khảo sát tại một số vùng trồng màu vào những ngày cuối năm 2021, mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng nông dân khẩn trương xuống giống và chăm sóc hoa màu chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Đối với những diện tích xuống giống vụ mùa trước, nông dân đang triển khai thu hoạch. Hiện giá một số mặt hàng nông sản bắt đầu tăng, nên nông dân rất phấn khởi, kỳ vọng một vụ mùa bội thu.

Cầu Ngang là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh. Tại xã Long Sơn, từ đầu năm đến nay, đồng bào đã thu hoạch 3 vụ dưa trên diện tích 1.354ha. Riêng vụ dưa hấu thu đông năm nay nông dân xuống giống 200ha, năng suất đạt 20 tấn/ha, tăng 2 tấn/ha so với vụ trước, giá bán dao động trong khoảng 8.000  - 10.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nông dân có thể thu lợi nhuận 120 - 140 triệu đồng/ha. Với lợi nhuận khá cao, nên đồng bào đã mạnh dạn đầu tư cho vụ Tết.

Theo tính toán của nông dân Thạch Sa Qươne, ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn, gia đình ông đầu tư trồng 4 công (4.000m2) dưa hấu giống Thành Long. Mỗi trái dưa có trọng lượng khoảng 2- 3kg, với năng suất ước đạt trên 2 tấn/công. Ruộng dưa của gia đình ông đã được thương lái đặt mua giá 9.000 đồng/kg. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng.

“Năm nay dưa được mùa, được giá, nên gia đình có thêm vốn để tái sản xuất vụ Tết. Còn không bao lâu nữa ruộng dưa của tôi thu hoạch, nếu đúng theo dự kiến, Tết này sẽ lo được cho gia đình đầy đủ hơn và cũng có cơ hội hùn phước cùng chính quyền địa phương lo Tết cho các hộ kém may mắn hơn mình", ông Thạch Sa Qươne phấn khởi chia sẻ.

Ruộng dưa của đồng bào ấp Sóc Xoài sẽ thu hoạch đúng vào dịp tết Nguyên đán
Ruộng dưa của đồng bào ấp Sóc Xoài sẽ thu hoạch đúng vào dịp tết Nguyên đán

Còn tại gia đình nông dân Thạch Sô Phia, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa vẫn duy trì sản xuất xoay vòng 3 vụ/năm trên diện tích 1.500m2 đất. Theo ông Phia, với diện tích trên, hằng năm ông trồng chủ yếu rau củ quả như khổ qua (mướp đắng), bí xanh, bí đỏ, lợi nhuận bình quân 8 triệu đồng/1.000m2. Theo ông Phia, trồng các loại cây ngắn ngày tuy cực công chăm sóc, nhưng ít nhiều nông dân vẫn có lợi nhuận.

“Do điều kiện gia đình ít đất sản xuất, là hộ cận nghèo, nên tôi chọn những cây hoa màu ngắn ngày nhằm tăng thu nhập thường xuyên, xoay vòng nhiều đợt trong năm. Dịp Tết khổ qua luôn là mặt hàng được ưa chuộng, vì nói theo dân gian, ăn khổ qua để năm sau ko còn khổ. Vì thế, vụ màu Tết này tôi dành 2/3 diện tích đất để trồng khổ qua với hy vọng bán được giá cao vào dịp cuối năm”, ông Phia chia sẻ.

Bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết:Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng dịch bệnh, huyện đã tích cực triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, tập trung chỉ đạo các đơn vị áp dụng các biện pháp phù hợp trong tình hình mới; trong đó phát huy những lợi thế, tiềm năng để bố trí mùa vụ mới, từng bước thiết lập lại chuỗi sản xuất. Thị trường giá cuối năm có dấu hiệu tăng dần, nên bà con rất phấn khởi để sản xuất vụ mới...

"Huyện chú trọng hướng dẫn, chuyển giao, giúp đồng bào sản xuất theo hướng tập trung, xây dựng các mô hình phù hợp, áp dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn để cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, bán có giá, đồng bào tăng thu nhập để có cái Tết đầm ấm sung túc", bà Kim Chung cho biết./.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.