Trà hoa vàng hay còn gọi là trà rừng, kim hoa trà, trà trường thọ, được mệnh danh là “nữ hoàng trà”. Nó không chỉ mang vẻ đẹp sang trọng mà còn dùng để phòng bệnh và tăng cường sức khỏe. Khi phát hiện quần thể trà hoa vàng ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, giới nghiên cứu khoa học cũng như mọi người rất phấn khởi. Vì đây là loại cây nằm trong sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng, hơn nữa lại có giá trị về kinh tế, cũng như y học.
Từ ngày phát hiện quần thể trà hoa vàng ở rừng Phước Lộc, bà con người Mạ có thêm nghề phụ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Trà hoa vàng thực sự là món quà quý giá mà núi rừng ban tặng cho người Mạ.
Thời gian đầu, bà con người Mạ đi rừng thu hái về dùng trong gia đình, nếu dư ra đem bán cho những khách hàng có nhu cầu. Quần thể trà hoa vàng là “lộc rừng” nhưng có nguy cơ bị xâm hại, tận diệt nên chính quyền địa phương phối hợp cùng chủ rừng, các tổ hộ nhận khoán đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đi thu hái trà hoa vàng tuyệt đối không chặt phá cây trà. Thông tin để người dân hiểu rõ, những cây trà hoa vàng mọc ở rừng rất khó có thể sống nếu di dời đi nơi khác nên cần bảo vệ nghiêm ngặt tại chỗ. Hơn nữa, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo môi trường cho trà hoa vàng phát triển. Nhờ thế trong những năm qua, việc bảo vệ, bảo tồn loài trà hoa vàng quý hiếm mọc ở các khu rừng Phước Lộc được chính quyền địa phương, các ngành liên quan và người dân thực hiện tốt.
Hiện nay, bà con người Mạ không chỉ thu hái hoa của cây trà hoa vàng từ rừng mà còn bảo tồn loại cây này ngay vườn nhà, thông qua việc nhân giống thành công bằng phương pháp chiết cành. Có gần một trăm hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc Mạ trồng trà hoa vàng trên rẫy gia đình mình. Hộ nhiều có khoảng 100 đến 150 cây trà hoa vàng, hộ ít khoảng vài chục cây, được trồng xen với cây điều, sầu riêng và cà phê. Được biết, trà hoa vàng sẽ nở hoa tập trung kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, thậm chí có những cây nở hoa lác đác quanh năm. Bà con đồng bào dân tộc Mạ sau khi thu hái những búp, hoa vàng tươi rồi đem bán cho các thương lái ở địa phương. Bình quân một người thu hái từ 2 đến 4 kg/ngày, với giá khoảng 200 ngàn đồng/kg búp, hoa tươi và 2 triệu đồng/kg búp và hoa đã phơi khô. Đây là một khoản thu nhập khá cao đối với bà con tại địa phương trong những lúc nông nhàn.
Trà hoa vàng được người sử dụng bằng nhiều cách thức khác nhau, nhưng thông dụng nhất là pha trà để uống. Theo một số công trình nghiên cứu khoa học cho thấy: Trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% đã có thể xem là thành công trong điều trị ung thư; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu, trong khi dùng các loại thuốc khác thì mức độ giảm chỉ là 33,2%. Ngoài ra, khi dùng trà hoa vàng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp, hạ đường huyết; chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu...
Mặc dù giá trị kinh tế và dược liệu cao, nhưng hiện tại, chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Người dân thu hái, phơi sấy để dùng trong gia đình, dư ra bán cho thương lái hoặc những người có nhu cầu sử dụng, nên đầu ra trà hoa vàng không ổn định, giá trị kinh tế chưa được như kỳ vọng. Trao đổi về thực trạng này, ông Hoàng Thanh Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Huoai cho biết: Toàn huyện hiện có 2 cơ sở sản xuất trà hoa vàng để phục vụ các thị trường như TP. Hà Nội; TP. Hồ Chí Minh; tỉnh Khánh Hòa. Hiện tại, chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu trà hoa vàng của người dân bởi những lý do sau: Đây là loại trà có giá trị kinh tế cũng như dược liệu cao nên việc thu mua sản phẩm của bà con phải đảm bảo chất lượng, đặc biệt phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong lúc bà con hái trà hoa vàng từ rừng hay vườn nhà rất khó kiểm chứng. Nếu trà hoa vàng trồng xen trong vườn điều, sầu riêng hoặc cà phê thì dễ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, nên các cơ sở sản xuất cũng ngại thu mua sản phẩm của bà con.
Cũng theo gợi ý của ông Hoàng Thanh Nam: Muốn phát triển bền vững trà hoa vàng trên khu vườn của gia đình mình, bà con nông dân cần chú trọng đầu tư chăm sóc vườn điều, sầu riêng, cà phê theo hướng hữu cơ sinh học. Khi ấy, trà hoa vàng trồng xen dưới những loại cây trồng khác sẽ không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời, người dân ký cam kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch, cho ra những sản phẩm trà hoa vàng chất lượng, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Quả thật, có được quần thể trà hoa vàng bám rễ trên vùng rừng Phước Lộc là điều rất tốt ngoài sự mong đợi. Là món quà mà thiên nhiên, núi rừng nơi đây đã ban tặng cho bà con đồng bào dân tộc Mạ. Nhưng để trà hoa vàng phát huy hết tiềm năng, giá trị của mình, góp phần giúp bà con dân tộc Mạ phát triển kinh tế bền vững, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, nhà khoa học, bà con nông dân tìm ra những giải pháp tối ưu nhất trong việc nhân giống trà hoa vàng cũng như việc chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ, đem đến người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.