Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trà Cú (Trà Vinh): Chương trình MTQG 1719 tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới

Như Tâm - 06:53, 15/12/2023

Với sự quan tâm của các cấp, ngành; sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của đồng bào, sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã phát huy hiệu quả tích cực, làm thay đổi diện mạo phum sóc. Đồng bào phấn khởi vì cuộc sống từng bước đủ đầy, đã và đang cùng chính quyền địa phương “chạy nước rút” để được công nhận huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023.

Huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh đã đạt 09/09 tiêu chí huyện NTM
Huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh đã đạt 09/09 tiêu chí huyện NTM

Trà Cú là huyện có đông đồng bào Khmer của tỉnh Trà Vinh (có trên 62%), những năm gần đây, đời sống của đồng bào đã thay đổi đáng kể nhờ các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư sản xuất, nhất là thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG đặc biệt là Chương trình MTQG 1719.

Cùng đoàn công tác, đến thăm gia đình anh Thạch Tiên ngụ ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, anh Tiên cho biết: “Trước đây, gia đình luôn khó khăn, thiếu trước hụt sau, phải làm đủ nghề để mưu sinh. Năm nay, được địa phương xét cho vay với số tiền 50 triệu đồng để nuôi bò, đồng thời được hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng để xây nhà, bây giờ gia đình tôi thật sự là thoát nghèo luôn rồi. Nếu không có được hỗ trợ kỳ này, vợ chồng tôi và các hộ khác trong ấp khó mà thoát nghèo...”

Rời ấp Mộc Anh, chúng tôi đến thăm nhà chị Thạch Thị Lệ ở ấp Xoài Lơ, chị lệ chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi ở trong ngôi nhà nắng thì che, mưa thì hứng nước. Đầu năm 2023, gia đình tôi được chính quyền xét hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà và tạo điều kiện vay 46 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất, tôi đã làm được căn nhà khang trang, mua được bò giống nuôi và tận dụng đất nhà trồng hoa màu. Từ nay, gia đình tôi chỉ lo là tăng gia sản xuất tích luỹ để trả ngân hàng và cho con đi học”.

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội từ đầu năm 2023 đến nay, cho vay được 4.599 lượt hộ, tổng số tiền 156.453 tỷ đồng. Trong đó, cho vay mục về nhà ở, đất ở, chuyển đổi nghề theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP là 306 hộ, số tiền 12 tỷ 390 triệu đồng, đạt kế hoạch giải ngân 100%.

Đoàn công tác Ngân hàng Chính sách và cán bộ xã đếm thăm gia đình anh Thạch Tiên ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú ( Trà Vinh) là hộ được vay vốn chuyển đổi nghề
Đoàn công tác Ngân hàng chính sách và cán bộ xã đếm thăm gia đình anh Thạch Tiên ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú ( Trà Vinh) là hộ được vay vốn chuyển đổi nghề

Theo lộ trình, huyện Trà Cú đạt chuẩn NTM vào năm 2023, đến nay huyện Trà Cú đạt 09/09 tiêu chí huyện NTM, 15/15 xã đã đạt 19/19 tiêu chí theo quy định, 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 thị trấn đạt 09/09 tiêu chí thị trấn văn minh.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Trà Cú cho biết, năm 2009, Trà Cú là một trong 62 huyện nghèo của cả nước (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ “về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững”).

Năm 2011, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM, Trà Cú là một trong 07 huyện của cả nước có tỷ lệ hộ nghèo cao, được hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, sau khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đã tạo cú hích cho vùng đồng bào DTTS của huyện phát triển nhanh, giảm nghèo sâu, đồng thời tạo động lực để huyện đạt các chỉ tiêu xây dựng huyện NTM.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.053 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,42% so với tổng số hộ dân cư toàn huyện (trong đó: Hộ nghèo không có khả năng lao động 659 hộ, chiếm tỷ lệ 1,51%; Hộ nghèo dân tộc khmer 744 hộ, chiếm tỷ lệ 2,78%). Hộ cận nghèo còn 1.214 hộ, chiếm tỷ lệ 2,79%. Hiện tại huyện đang rà soát và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện NTM đúng theo lộ trình đề ra.

Ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh chia sẻ, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã có nhiều dự án, chương trình sớm phát huy hiệu quả. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư. Hàng loạt các vấn đề khó khăn cấp thiết của đồng bào đang từng bước được giải quyết như việc được hỗ trợ xây dựng nhà ở khang trang; tạo điều kiện cho nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa thoát nghèo từ vốn vay chuyển đổi nghề. Trong vùng đồng bào đã xuất hiện những mô hình điển hình về  thoát nghèo bền vững.

“Cuộc sống của đồng bào DTTS hôm nay được đổi thay từng ngày, không còn phải canh cánh lo thiếu ăn, thiếu tiền đi học. Điều này cho thấy việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 kịp thời hỗ trợ đồng bào vùng DTTS ổn định cuộc sống sau đại dịch Covid, đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về chính sách đối với đồng bào DTTS luôn đúng đắn và kịp thời”, ông Thạch Mu Ni chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.