Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác dân tộc

BDT - 18:28, 19/01/2022

Sáng ngày 19/1/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Báo Dân tộc và Phát triển trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Thưa các đồng chí,

Thưa toàn thể Hội nghị,

Hôm nay, tôi rất phấn khởi, vui mừng tới dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Thay mặt Chính phủ, đồng chí Thủ tướng Chính phủ, tôi xin gửi tới các đồng chí Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 51 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của cả nước và toàn thể các quý vị đại biểu dự Hội nghị lời chào trân trọng, tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các quý vị đại biểu

Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các DTTS. Người cho rằng đồng bào Kinh và đồng bào các DTTS “đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, chính sách dân tộc của Việt Nam luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách dân tộc; hệ thống các chính sách ngày càng phủ kín các lĩnh vực, địa bàn, có tính toàn diện, bám sát thực tiễn; đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện. Đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển của đất nước.

Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã mang lại nhiều khó khăn, mất mát, nhưng cũng để chúng ta thấy được tinh thần vượt khó, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, yêu thương, sẻ chia của con người Việt Nam nói chung, cũng như đồng bào các DTTS nói riêng. Một lần nữa, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi xin gửi lời chia sẻ chân thành nhất đến tất cả đồng bào DTTS và toàn thể người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch và cảm ơn bà con đã luôn đồng hành, chung sức, đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước!

Hội nghị chúng ta đã được xem phóng sự về Báo cáo tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, phản ánh khách quan, trung thực những kết quả đã đạt được, mạnh dạn, nghiêm túc nhận diện các tồn tại, hạn chế trong năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp khắc phục cho năm 2022. Với truyền thống đoàn kết, bề dày lịch sử cách mạng, tinh thần “lửa thử vàng, gian nan thử sức” được tôi luyện qua công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, Ủy ban Dân tộc, các địa phương vùng DTTS và miền núi và đặc biệt là đồng bào các DTTS đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra như báo cáo đã nêu.

Ủy ban Dân tộc đã chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, tháo gỡ vướng mắc cho các xã, thôn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các chính sách dân tộc đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, kịp thời hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề; bố trí sắp xếp, ổn định dân cư; cấp phát báo, tạp chí; xuất cấp gạo; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; đầu tư phát triển KT-XH vùng các DTTS rất ít người…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc, các ban, bộ ngành Trung ương và các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trong năm 2021 trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước ta.

Thưa toàn thể Hội nghị

Bên cạnh những thành tích nổi bật đã đạt được nêu trên, tôi cơ bản nhất trí với một số hạn chế, yếu kém đã được Ủy ban Dân tộc thẳng thắn chỉ ra và đề nghị các đồng chí cần đặc biệt lưu ý về những nguyên nhân, phần lớn là nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của mình, nhất là việc chậm trễ trong tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, sớm có giải pháp khắc phục trong năm 2022 và trong cả giai đoạn 2021 - 2025.

Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất là: Tập trung với quyết tâm chính trị cao nhất để triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động, kế hoạch công tác để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của các địa phương và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Thứ hai là: Bám sát và nắm bắt tình hình thực tiễn các địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là về đời sống của bà con đồng bào, tình hình thiên tai, dịch bệnh, di cư tự phát, các điểm “nóng” về an ninh trật tự... Trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kịp thời có những chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định cuộc sống, bảo vệ an toàn cho sức khỏe và tài sản của Nhân dân.

Thứ ba là: Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình chậm nhất trong quý I/2022. Các địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Kế hoạch cụ thể và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình ngay trong quý I/2022, phấn đấu giải ngân hết số vốn theo Kế hoạch được giao để thực hiện Chương trình (dự kiến trong năm 2022 sẽ giao khoảng 9.000 tỷ vốn đầu tư công cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện Chương trình này).

Thứ tư là: Tập trung nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; cải cách về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dân tộc và tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác dân tộc các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao vai trò của Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc, đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nghiên cứu, đề xuất tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới, tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó chú trọng các chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, xây dựng chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ để tạo sinh kế bền vững và nâng cao trình độ, tay nghề, nhận thức, tinh thần tự lực tự cường, thoát nghèo vượt khó cho đồng bào DTTS; từng bước thay thế các chính sách “cho không” bằng các chính sách hỗ trợ tín dụng, công cụ, phương tiện sản xuất.

Thứ năm là: Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động người dân hiểu rõ và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, xã hội. Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, tư pháp, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về công tác dân tộc nhằm thu hút nguồn vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi và thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, giao lưu cộng đồng các DTTS với các nước trong khu vực.

Thứ sáu là: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng viên, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của cá nhân người đứng đầu theo tinh thần Nghị quyết Trung 4 Khóa XI, XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, đủ đức đủ tài theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, lưu ý có các chính sách đặc thù để tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS.

Thứ bảy là: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8/12/2021 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022, trong đó quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi vùng DTTS... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Về một số kiến nghị của Ủy ban Dân tộc và các địa phương, về nguyên tắc là ủng hộ và đồng tình cao; đề nghị các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao, sớm có văn bản trả lời các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.

Thưa tất cả các đồng chí

Nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2022 là rất nặng nề, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp Tết cổ truyền Nhâm Dần 2022 đang đến gần, tôi xin chúc tất cả các đồng chí dự Hội nghị và toàn thể đồng bào các DTTS trong cả nước sức khỏe thành công và hạnh phúc. Chúc cho sự nghiệp Công tác Dân tộc của chúng ta liên tục phát triển.

Trân trọng cảm ơn!

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.