Buôn làng khởi sắc
Buôn Cháy là tên gọi do đồng bào Ê Đê đặt cho buôn căn cứ cách mạng Ea M’droh, xã Ea M’droh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, bởi trong kháng chiến buôn bị đốt cháy Mỹ - Ngụy phóng hỏa thiêu rụi. Đất nước giải pháp, đồng bào Ê Đê quyết tâm xây dựng lại buôn Cháy trên đống tro tàn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh chia sẻ: Gần 20 năm về đây công tác, tôi chứng kiến buôn Cháy đổi thay rất nhanh. Từ những cảnh đổ nát, cháy trơ trui, đến nay, đường đi lại thảm nhựa, bê tông phẳng lì, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, điện kéo về từng nhà, hầu hết người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của bà con là thay đổi nhất. Toàn buôn hiện có 265 hộ, với 1.057 nhân khẩu, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc Ê Đê. Cả buôn hiện còn 16 hộ nghèo chiếm 6%, 10 hộ cận nghèo, nhiều mô hình kinh tế hay hiệu quả được nhân rộng, con em học đại học, cao đẳng ngày càng đông. Tất cả là nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, mà “Buôn Cháy” bây giờ bừng sức sống.
Nằm lọt giữa thung sâu cách trung tâm xã hơn 10km, buôn Krông có 94 hộ đồng bào Ê Đê và Tày sinh sống với 425 khẩu. Cây trồng chính của người dân là lúa nước và ngô. Tuy nhiên, những năm trước buôn không có điện, đường và kênh mương thủy lợi nên sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, ngô, đời sống người dân cực kỳ khó khăn.
Nhờ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật, hiện nay cuộc sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều gia đình tiêu biểu phát triển kinh tế của xã. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của buôn giảm nhanh từ 28% năm 2015 xuống còn 7,45% năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20 triệu đồng/người/năm năm 2015 lên 35 triệu đồng/người/năm. Cảnh đói ăn đã lùi xa, kinh tế người dân ngày càng phát triển và diện mạo buôn khang trang hơn.
Không chỉ có buôn Cháy, buôn Krông mà nhiều buôn làng khác ở Đắk Lắk đang vươn lên mạnh mẽ dưới ánh sáng soi đường của Đảng, sự lãnh đạo của Nhà nước với những chính sách, chương trình sát với thực tế.
Tiền đề quan trọng phát triển vùng đồng bào DTTS
Tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính gồm TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện, với 184 xã, phường, thị trấn; 2.455 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 608 buôn đồng bào DTTS tại chỗ. Toàn tỉnh có gần 1,9 triệu người, 49 dân tộc cùng sinh sống triệu người, trong đó DTTS chiếm 35,7%.
Đắk Lắk hiện có 54 xã Khu vực III, 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng bào các DTTS có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, giúp đỡ lẫn nhau; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mỗi dân tộc đều có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa.
Thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, nay diện mạo nông thôn, miền núi đã thực sự khởi sắc, đời sống của đồng bào các DTTS đã được nâng lên đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 66 xã đạt chuẩn NTM. Chuyển biến dễ nhận thấy nhất ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk, là hạ tầng cơ sở được đầu tư tương đối đồng bộ. Đến nay, có 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã có điện lưới quốc gia; đa số người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Thành quả trên xuất phát từ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với các chính sách dân tộc, cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai các chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Những năm qua, Đắk Lắk được thụ hưởng rất nhiều các chương trình trọng điểm của Trung ương; từ đó tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng nguồn lực từ Chương trình 30a, Chương trình 135,... hàng trăm công trình đã được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.
Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả tạo xung lực phát triển cho tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất không chỉ tạo đất sản xuất cho nhiều hộ đồng bào thiếu đất sản xuất mà còn hỗ trợ cây, con giống, máy móc, nông cụ, phân bón, vật tư,…
Từ các chương trình đầu tư, hỗ trợ đó, đồng bào các DTTS ở Đắk Lắk đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, hướng tới làm giàu. Vùng DTTS tỉnh có nhiều thay đổi tích cực về mọi mặt đời sống kinh tế, y tế, giáo dục, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy… Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây là cơ sở để tỉnh Đắk Lắk tự tin đề ra những chỉ tiêu đột phá trong giai đoạn mới. Theo đó, phấn đấu phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn.