Bàn thờ tổ tiên của người Giáy thường đặt ở vị trí trang trọng nhất trong gian giữa của ngôi nhà. Ở phía sau bàn thờ, người ta thường làm thêm một cái hiên nhỏ để ngăn chặn mọi sự đụng chạm đến bàn thờ. Trên bàn thờ, người Giáy thường bày 3 bát hương: bát lớn nhất ở giữa thờ thổ thần; 2 bát hai bên thờ chung tất cả những người đã mất trong gia đình. Trong trường hợp chủ nhà là con nuôi hay con rể thừa tự muốn thờ họ bố mẹ đẻ thì đặt thêm một bát hương ở bên trái. Những gia đình không thờ bà mụ trong buồng thì đặt thêm một bát hương ở bên phải. Ở một số gia đình, ngoài bàn thờ lớn còn đặt một bàn thờ nhỏ để thờ bố mẹ vợ.
Thổ địa trong gia đình, tiếng Giáy gọi là tỉ chú. Thờ tỉ chú cũng có ý nghĩa là thờ cúng những người đã khuất bảy đời trở lại. Trên bát hương thờ tỉ chủ, người Giáy chỉ cắm duy nhất một que hương. Còn tổ tiên từ chín đời trở về trước được cúng ở hai ống hương đặt hai bên cửa ra vào. Chính vì ngưỡng cửa cũng là nơi thờ ma nhà nên khi cô dâu mới về nhà chồng không được phép đặt chân lên đó.
Bàn thờ của người Giáy không thờ ảnh của người đã khuất như bàn thờ người Kinh mà thường treo tranh thờ, nhất là bàn thờ của người làm nghề cúng bái. Bàn thờ then không có tranh. Bàn thờ tổ tiên thường treo mảnh vải đỏ viết chữ Nho, có thể là bức đại tự ở chính giữa hay câu đối treo ở hai bên. Tùy từng dòng họ mà người Giáy có những kiêng kỵ khác nhau liên quan đến bàn thờ tổ tiên. Thông thường, phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời gian ở cữ không được lại gần bàn thờ.
Người Giáy thường dâng lễ cúng tổ tiên vào những ngày lễ, tết của cộng đồng, làng bản hoặc khi gia đình có việc trọng đại như hiếu, hỉ, mừng thọ, cúng vía cho trẻ em… Những nghi lễ trong tín ngưỡng tâm linh đến nay vẫn luôn được người Giáy bảo tồn, gìn giữ như một sự thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, dòng họ.