Thành công từ ý thức
Nói đến xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, người ta không khỏi nhớ đến sản phẩm mật mía nổi danh mà xã đang hướng tới tiêu chuẩn OCOP.
Lợi thế đất vườn đồi rộng, có Đường Hồ Chí Minh chạy qua và chỉ cách trung tâm huyện khoảng 6 km, không chỉ giúp người dân Tân Hương nâng cao chất lượng sống với cây mía mà còn phù hợp với việc phát triển nghề ươm giống cây lâm nghiệp và mô hình kinh tế trang trại, gia trại…
Đơn cử như gia đình ông Trần Văn Luận (xóm Vĩnh Tân, xã Tân Hương), trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn. Nhà có 5 người chen chúc trong căn nhà cũ tạm bợ. Gia đình có đất nhưng nuôi 3 đứa con ăn học còn khó khăn, lấy đâu ra tiền tích lũy cải tạo vườn. Năm 2014 được Hội Nông dân vận động, Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện cho vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để chăn nuôi bò sinh sản, từ đó cánh cửa sinh kế mới của gia đình ông dần mở ra, năm 2017 gia đình ông Luận đã trả hết nợ nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Đến năm 2019, ông đăng ký vay 50 triệu đồng cũng từ chương trình hộ nghèo.
Nhờ rút được kinh nghiệm trong chăn nuôi, sự chăm chỉ và chịu khó của các thành viên trong gia đình, ông đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn sinh sản và đầu tư vườn ươm cây giống. Sau 2 năm, gia đình ông thoát nghèo và là hộ có thu nhập cao trong xã. Hiện tại gia đinh ông thường xuyên nuôi 3 con bò sinh sản, 14 con lợn nái và vườn ươm cây giống, thu nhập năm 2021 khoảng hơn 200 triệu đồng.
Cũng như gia đình ông Luận, gia đình bà Phan Thị Mai (xóm Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Phúc) thuộc diện hộ nghèo, nhưng các con của bà lại hiếu học. Vì vậy, nguồn vốn cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 128,6 triệu đồng đã giúp bà nuôi 3 con học đại học. Bên cạnh đó, từ 16 triệu đồng nguồn vốn vay chương trình dự án phát triển lâm nghiệp, bà đã mạnh dạn vay thêm 40 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ chịu khó sản xuất chăn nuôi, đồng thời dạy con ngoan học giỏi, đến nay các con của bà đã ra trường, có việc làm, thu nhập cao và ổn định nên đã cùng với gia đình trả nợ ngân hàng, tích cóp gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH.
Hơn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện Tân Kỳ đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH cho vay được 85.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.674 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.166 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã được đầu tư đến 100% xã trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 85.700 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 5.631 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 3.300 lao động; giúp cho 19.124 học sinh sinh viên được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo 17.572 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.899 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng thu nhập thấp...
Nguồn vốn chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 triệu đồng/người năm 2002 lên 38,5 triệu đồng/người năm 2021 (tăng hơn 11 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 33,37% năm 2002 xuống còn 9,74% cuối năm 2021, đời sống của Nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.
"Những kết quả đạt được 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19", Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Nguyễn Văn Thực nhận định.
Cùng chung tay giảm nghèo
Tuy nhiên, giảm nghèo ở Tân Kỳ chưa thực sự bền vững. Số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn; vẫn còn hộ tái nghèo; đời sống của Nhân dân, nhất là dân cư ở vùng nông thôn khu vực III còn nhiều khó khăn, lạc hậu, 25% người lao động trong độ tuổi có việc làm không ổn định.
Đến hết quý I/2023, Ngân hàng CSXH huyện Tân Kỳ tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt đã tham mưu cho UBND huyện chuyển 300 triệu đồng từ ngân sách địa phương để ủy thác sang Ngân hàng CSXH, UBND xã chuyển 320 triệu đồng. Tiền lãi của các hộ vay là 15 triệu đồng cũng được hoà đồng với nguồn được cấp, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác là 3,62 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao.
Hiện nay, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Tân Kỳ đạt 621 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm 2023. Doanh số cho vay trong quý I là 28.087 triệu đồng, với 651 lượt hộ được vay vốn từ đầu năm, bình quân mỗi hộ được vay 51,8 triệu đồng. Tính đến 31/3/2023 tổng dư nợ đạt 569 tỷ đồng, tốc độ tăng 2,14%, hoàn thành 100% kế hoạch được giao, với 20 chương trình cho vay, 10.970 hộ vay. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỉ lệ 0,15% tổng dư nợ. Điều đó cho thấy nguồn vốn tiếp tục phát huy hiệu quả trong đời sống của đồng bào các dân tộc.