Đầu năm 2019, chị Nguyễn Thị Thanh Lan, ngụ xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để mở rộng cơ sở làm chổi đót của gia đình. Chị Lan chia sẻ: “Với những người nông dân như chúng tôi, việc vay vốn ngân hàng là một trong những biện pháp cơ bản để có điều kiện mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Theo ông Trần Duy Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi: Đối với nguồn vốn dôi ra của Chương trình cho vay hộ nghèo, Ngân hàng đã linh hoạt chuyển sang cho vay đối tượng hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 9,39%. Tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho gần 100.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế; giúp cho gần 55.000 hộ thoát nghèo; 20.302 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, trang trải chi phí học tập. Vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân xây mới, cải tạo 41.598 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; xây dựng 1.343 căn nhà cho hộ nghèo; giúp 12.451 hộ vay vốn để sản xuất, kinh doanh.
Tương tự, tại tỉnh Bắc Kạn, trong 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 87.553 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; 722 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; góp phần tạo việc làm cho 4.484 lao động; xây dựng mới được 760 căn nhà cho hộ nghèo…
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho hay: Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 (2014 - 2019), nguồn vốn ngân sách cấp cho Ngân hàng tăng 1,6 lần so với trước khi có Chỉ thị. Đặc biệt, nguồn vốn của chính quyền địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH để cho vay đối tượng chính sách ở địa phương cũng tăng vượt bậc, đến nay đã đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 10.800 tỷ đồng so với khi có Chỉ thị. Hiện tại, 100% địa phương đã ủy thác vốn qua Ngân hàng CSXH để cho vay, bình quân một địa phương cấp tỉnh ủy thác 230 tỷ đồng. Một số tỉnh miền núi dù rất khó khăn nhưng đã dành quan tâm cho vấn đề này, trong đó, tỉnh Đăk Lăk ủy thác 220 tỷ đồng, Quảng Ngãi 160 tỷ đồng, Lào Cai 90 tỷ đồng…
Sau 5 năm, hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH đã góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 902.000 lao động; giúp trên 19.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 301.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…
“Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách đã đến với người nghèo thuận lợi hơn. Đây chính là kết quả thực chất trong thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công cuộc xóa nghèo bền vững”, ông Nguyễn Văn Lý khẳng định.