Để tạo bước chuyển biến mới về hoạt động tín dụng chính sách xã hội tạo động lực phát triển kinh tế trong đồng bào các dân tộc, năm 2018, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chủ trương chuyển đổi nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ từ cho không sang cho vay thông qua ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Mỗi địa phương, tùy theo tình hình thực tế, có những cơ chế, biện pháp riêng nhằm thúc đẩy việc cho vay vốn để phát triển sản xuất. Điển hình như huyện 30a Si Ma Cai, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Để đưa Si Ma Cai phát triển theo kịp mặt bằng kinh tế chung của tỉnh, tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 86/2016/QĐ-UBND ngày 31/8/2016 về thực hiện giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai giai đoạn 2016-2020. Theo đó hằng năm, mỗi xã trên địa bàn huyện được tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng, tổng số tiền hỗ trợ của huyện là 26 tỷ/năm.
Đặc biệt, từ năm 2018 để nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư hỗ trợ, tỉnh Lào Cai thực hiện chuyển phương thức hỗ trợ từ nguồn cho không sang cho vay mỗi năm 19,5 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH, còn lại 6,5 tỷ là hỗ trợ cho người dân. Nguồn vốn hỗ trợ được đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, gồm: Phát triển chăn nuôi gia súc; trồng rau trái vụ; phát triển cây ăn quả ôn đới; phát triển cây dược liệu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã mang tới những hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế hướng tới xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con trong toàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch huyện Si Ma Cai cho biết: Tùy vào đặc thù riêng của từng xã trong huyện mà đưa ra các mô hình khác nhau. Điển hình, như ở xã Mản Thẩn với mô hình trồng lê Tai Nung; tại xã Sín Chéng đầu tư phát triển chăn nuôi vịt địa phương Sín Chéng, xã Bản Mế phát triển chăn nuôi trâu bò tập trung … đã mang lại lợi ích kinh tế cao.
Tại huyện Sa Pa, huyện đã cân đối nguồn vốn chuyển sang 8,1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm); trồng các loại cây ôn đới (trồng hoa, cây dược liệu, vùng rau an toàn)… Để triển khai dự án, Sa Pa đã đầu tư nguồn vốn qua NHCSXH với sự tham gia quản lý của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương để cho vay đối với các hộ vay thuộc dự án đã được UBND huyện phê duyệt.
Chị Đặng Thị Thoa ở tổ 11, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai) cho biết: Từ vốn vay ban đầu vài chục triệu của NHCSXH huyện Sa Pa, chị đầu tư trồng hơn 3 vạn gốc hoa ly. Khi thu hoạch vụ hoa ly đầu tiên, gia đình chị thu gần 250 triệu đồng, vừa thu lại đủ tiền vốn vay ban đầu, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng để có tiền đầu tư thêm giống hoa mới. Từ thành công của chị Thoa cũng như hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn huyện, bước đầu đã khẳng định hiệu quả trong việc sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách đúng mục đích.
Tính đến tháng 10/2018 nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chuyển sang ủy thác cho vay thông qua NHCSXH lên đến trên 50 tỷ đồng. Có thể khẳng định, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các tổ chức chính trị-xã hội, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay thông qua NHCSXH đã giúp nhiều người dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng; góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở các địa phương.
LAN ANH