Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tiếp tục phát huy vai trò của đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở (Bài 3)

Tùng Nguyên - 16:17, 16/12/2023

Quan điểm xây dựng Nhà nước và hệ thống pháp luật thật sự vì dân, do dân và của dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhất quán thực hiện. Các quyết sách chú trọng đến vai trò của người dân trong việc cùng tham gia bàn bạc, xây dựng, kiểm tra, giám sát... đã góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ. Đây được xem là “chìa khóa” để phát huy vai trò của đồng bào DTTS trong phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. (Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đối thoại với thanh niên ngày 21/3/2023)
Trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. (Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đối thoại với thanh niên ngày 21/3/2023)

Việc khó phải bàn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Huấn thị của Người là bài học quý báu trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó phát huy vai trò của Nhân dân khi triển khai các chương trình, dự án tác động đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Trung Hà là xã khu vực III của huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Để hoàn thành mục tiêu “về đích” nông thôn mới, thì xã phải nỗ lực để hoàn thiện tiêu chí giao thông thông nông thôn. Năm 2021, Trung Hà được bố trí vốn để đầu tư nâng cấp tuyến đường đi vào nghĩa trang của xã. Nhưng kinh phí được cấp chỉ có vốn đầu tư xây dựng, không có vốn đền bù, giải phóng mặt bằng; trong khi để mở rộng tuyến đường từ 3m lên 6m, phải thu hồi khoảng 1.120 m2 đất của 9 hộ ở thôn Nà Dầu.

Để “gỡ” cái khó này, cán bộ thôn đã tiến hành họp dân bàn bạc. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động của xã, 9/9 hộ dân đồng tình hiến đất để làm đường; trong đó có nhiều hộ diện diện tích đất lớn như gia đình ông Cư Seo Chính (176 m2), ông Lương Văn Chăng (167,5 m2); ông Giàng Seo Hòa (150 m2)...

Hay tại xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, thời gian qua, xã đã triển khai một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn để phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân. Gần đây nhất, xã được triển khai Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K'Ho tại thôn Đưng K’Si, cũng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.

Xã Trung Hà (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới. (Trong ảnh: Tuyên đường bê tông hóa 190m ở thôn Phiềng Ly, xã Trung Hà vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng)
Xã Trung Hà (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới. (Trong ảnh: Tuyến đường bê tông 190m ở thôn Phiềng Ly, xã Trung Hà vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng)

Theo ông Thân Văn Nghiên, Chủ tịch UBND xã Đạ Chais, quá trình triển khai thực hiện ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn do một số hộ dân chưa thật sự hiểu và ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đầu tư xây dựng các công trình. Để tạo sự đồng thuận, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, thì xã Đạ Chais đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy vai trò và thực hiện tốt quyền làm chủ của Nhân dân. Các công trình, dự án đều được công khai, lấy ý kiến của Nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, từ đó các dự án được triển khai bảo đảm tiến độ.

Trong một bài viết đăng trên báo Nhân dân, ông Lù Văn Que, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS. Ðiều này sẽ giúp đồng bào các DTTS thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ, mở ra được cách nghĩ, cách làm mới, khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đề cao được vai trò và vị trí, trách nhiệm của mình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong chiến lược phát triển đất nước.

Tăng cường đối thoại

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phải luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu; khi quyết định một vấn đề cần xem việc đó đã có lợi cho Nhân dân chưa, đã thực sự là nguyện vọng chính đáng của dân không thì mới quyết định làm. Trong giai đoạn hiện nay, vận dụng lời dạy của Người vào thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp cần tăng cường đối thoại, nhất là trước những vấn đề “nóng” để tìm hiểu nguyện vọng của Nhân dân, từ dó có quyết sách phù hợp.

Xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K'Ho tại thôn Đưng K’Si, cũng từ nguồn vốn Chương trình MTQg 1719. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc K'Ho tại thôn Đưng K’Si trong Ngày hội văn hóa các dân tộc năm 2022)
Xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K'Ho tại thôn Đưng K’Si, cũng từ nguồn vốn Chương trình MTQg 1719. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc K'Ho tại thôn Đưng K’Si trong Ngày hội văn hóa các dân tộc năm 2022)

Tháng 7/2023, tỉnh Tuyên Quang khiến dư luận cả nước chú ý khi một số giáo viên mầm non dạy hợp đồng đồng lâu năm gửi “tâm thư” đến Trung ương, bày tỏ lo lắng sợ bị mất việc khi Tuyên Quang có kế hoạch thực hiện thi tuyển viên chức. Trên một số trang mạng xã hội đưa một số nhận định không đúng, dẫn đến tạo dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến tâm tư của một số giáo viên, gây phức tạp tình hình trong lúc thời điểm đã chuẩn bị bắt đầu bước vào năm học mới.

Nắm bắt được dư luận, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đồng thời họp với lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố liên quan để giải quyết. Trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, sau đối thoại, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xin ý kiến và được Bộ Nội vụ chấp thuận điều chỉnh phương án từ thi tuyển sang xét tuyển. Quyết định này đã nhận được sự tán thành của các tầng lớp Nhân dân.

Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, hoạt động đối thoại đã được các địa phương chú trọng. Nhờ đó, nhiều vấn đề bức thiết, những “điểm nóng” trong đời sống đã được giải quyết triệt để.

 Đúng như chia sẻ của ông Lù Văn Que, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, việc gì chưa thống nhất thì trực tiếp đối thoại với nhau cho “thấu tình, đạt lý”; tuyệt đối không áp đặt, không làm thay, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động gây rối, phá hoại.

Hoạt đông tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp Quốc hội là “kênh” quan trọng để lắng nghe, chuyển tải tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. (Trong ảnh: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tiếp xúc cử tri huyện Mai Châu trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026)
Hoạt động tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp Quốc hội là “kênh” quan trọng để lắng nghe, chuyển tải tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. (Trong ảnh: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tiếp xúc cử tri huyện Mai Châu trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026)

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng nhìn chung, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhất là trong hoạt động tiếp dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan hành chính hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Theo kết quả giám sát của TS.Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đều chưa bảo đảm so với quy định; trong đó tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tiếp đạt 38%; Chủ tịch tỉnh đạt 56%; Chủ tịch huyện đạt 94%; Chủ tịch xã đạt 49% so với quy định. Thực trạng khá phổ biến trong hoạt động tiếp công dân hiện nay là Thủ trưởng một số cơ quan còn ủy quyền hoặc giao cho cấp phó tiếp thay.

Những hạn chế trong việc thực hiện quy định tiếp dân cần được các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương khắc phục, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đối thoại thường kỳ, đột xuất nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Nhất là từ năm 2024, với yêu cầu bảo đảm tiến độ các Chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025, nhiều công trình, dự án sẽ được quyết liệt triển khai, dự báo sẽ có không ít khó khăn, vướng mắc.

 Đồng thời, năm 2024 là năm cao điểm thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025, là năm quan trọng chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Vì vậy, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của Nhân dân là “chìa khóa” để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.