Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 27/5, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chiều ngày 31/5, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đã có 150 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và sau phiên họp, có 1 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản. Ý kiến của các đại biểu đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về phạm vi của dự thảo Luật, cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở, thanh tra nhân dân và các nội dung quan trọng khác mà các đại biểu quan tâm.
Tham gia thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đánh giá cao quá trình chuẩn bị, tiếp thu ý kiến tại các cuộc thảo luận, góp ý dự thảo luật của Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan. Một số đại biểu cho rằng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần: Xem xét lại tính phù hợp, sự thống nhất của Dự thảo luật; cần quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội; cần quy định Nhân dân tham gia quyết định những vấn đề về thôn, xóm, bản, làng…
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận): Bổ sung quy định về thực hiện hình thức công khai thông tin ở vùng đồng bào DTTS và miền núi
Đại biểu tán thành quy định của Dự thảo tại Điều 10 quy định 8 hình thức thông tin công khai để cho dân biết, đồng thời tán thành về hình thức công khai qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber. Đây là một hình thức mới, tiến bộ và hiện đại nhưng chỉ áp dụng đối với người sử dụng điện thoại thông minh. Do đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, nên chọn hình thức công khai bắt buộc như niêm yết công khai thông tin tại trụ sở HĐND, UBND, Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và điểm sinh hoạt cộng đồng.
Ngoài ra, tùy theo điều kiện địa phương có thể lựa chọn hình thức truyên truyền công khai đến người dân cho phù hợp, có thể thông qua loa truyền thanh, thông qua các cuộc họp… Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về thực hiện hình thức công khai thông tin đối với vùng đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, những nội dung và cần phải cụ thể hơn.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang): Cần có hình thức công khai thông tin phù hợp cho vùng đồng bào DTTS
Đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị bổ sung thêm quy định về hình thức công khai thông tin phù hợp với vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống với ngôn ngữ khác nhau và quy định rõ thời điểm công khai thông tin. Theo đại biểu, ở miền núi có nhiều đồng bào DTTS số sinh sống với nhiều ngôn ngữ khác nhau, cần phải có hình thức công khai thông tin cho phù hợp.
Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định đối với những vùng có nhiều đồng bào DTTS cùng sinh sống với ngôn ngữ khác nhau, trước khi công khai cần phải dịch thông tin ra các thứ tiếng DTTS để niêm yết công khai thông tin tại trụ sở HĐND, UBND cấp xã và Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc để công khai đọc các thông tin trên hệ thống truyền thanh cấp xã vào các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào trong dự thảo Luật quy định, ở những nơi không thể áp dụng các hình thức công khai thông tin quy định tại điểm b, g khoản 1 Điều 10 của Luật, thì được thay thế bằng các hình thức công khai khác phù hợp, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS biết được thông tin vào tham gia góp ý, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 151 ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, trong phiên họp sáng nay có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 3 đại biểu Quốc hội tranh luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội bao quát toàn diện các nội dung của dự án luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, lấy thêm ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vào tháng 10/2022, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.